PMS là viết tắt của “Premenstrual Syndrome” dùng để chỉ các dấu hiệu xảy ra đối với cơ thể nữ giới chúng mình trước khi “Nàng dâu” tới gõ cửa mỗi tháng. Mỗi người sẽ có những triệu chứng khác nhau, đối với một vài người thì PMS còn ảnh hưởng khá nhiều tới cuộc sống sinh hoạt thường ngày nữa 🙁
Trong bài viết lần này, SHE TALKS sẽ nói về các khái niệm chung của PMS ^^!
Hội chứng tiền kinh nguyệt – PMS là gì?
Mỗi bạn nữ sẽ gặp phải những triệu chứng PMS khác nhau, cũng như ở những thời điểm khác nhau. Và không phải tháng nào PMS cũng sẽ gõ cửa bạn với khoảng thời gian và những dấu hiệu giống nhau đâu nha~
Những triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng tiền kinh nguyệt PMS bao gồm:
· Tâm trạng, tính khí thay đổi thất thường
· Buồn phiền, cáu gắt, hoặc lo lắng
· Mệt mỏi hoặc khó ngủ
· Đầy hơi, hoặc đau âm ỉ phần bụng dưới
· Đau đầu
· Bị lên mụn hoặc tóc trở nên bết dính hơn
· Thay đổi về khẩu vị ăn uống, hoặc nhu cầu tình dục
Vậy chúng mình nên làm gì khi gặp PMS?
Nên làm:
· Tập thể dục đều đặn
· Ăn uống theo chế độ cân bằng, lành mạnh
· Ngủ đủ giấc – tuyệt vời nhất là ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày
· Tìm cách thư giãn, giảm căng thẳng bằng cách tập yoga hoặc thiền
· Uống thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc paracetamol để làm dịu cơn đau
· Ghi chú lại tất cả các triệu chứng đã xảy ra ít nhất từ 2 đến 3 chu kì “dâu” – sau này bạn có thể mang chúng đến để trao đổi và xin tư vấn của bác sĩ.
Không nên:
· Hút thuốc
· Uống bia, rượu, hay các đồ uống có chứa cafein như trà đặc, cà phê.
Lời khuyên cần thiết dành cho bạn – Hãy đến gặp bác sĩ nếu:
· Bạn đã áp dụng tất cả các cách kể trên mà vẫn không hiệu quả
· Các triệu chứng tiền kinh nguyệt mà bạn gặp phải trở nên nghiêm trọng hơn và gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống thường ngày.
Hãy đến thăm khám để được các bác sĩ đưa ra lời khuyên, các liệu pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất, bạn nhé!
Điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt như thế nào nữa?
Cùng với việc thay đổi lối sống sinh hoạt hàng ngày của bạn như vừa kể ở trên, nếu cần tới gặp bác sĩ, rất có thể bạn sẽ được khuyên sử dụng các cách dưới đây:
· Sử dụng thuốc tránh thai nội tiết tố.
· Thực hiện các phương pháp trị liệu về hành vi nhận thức – Trị liệu bằng cách trò chuyện
· Sử dụng thuốc chống trầm cảm
Nếu bạn đã áp dụng tất cả các liệu pháp trên mà các triệu chứng về PMS vẫn không thuyên giảm, có lẽ bạn cần gặp một chuyên gia. Đó có thể là bác sĩ phụ khoa, chuyên gia tâm lý hoặc chuyên viên tư vấn.
Nguyên nhân gì dẫn tới PMS vầy??
Cho tới nay, các nghiên cứu vẫn chưa thực sự hiểu rõ được nguyên nhân chính gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt PMS là gì. Tuy nhiên có rất nhiều thông tin chỉ ra rằng, PMS có thể là do sự thay đổi nồng độ hooc-mon trong cơ thể chúng mình trong chu kỳ kinh nguyệt.
Một số bạn có thể chịu sự tác động bởi những thay đổi này nhiều hơn, và tệ hơn là các triệu chứng tiền kinh nguyệt PMS này sẽ trở thành PMDD – rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (Premenstrual dysphoric disorder).
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD)
Đây là cấp độ nghiêm trọng hơn của PMS, khi mà việc thay đổi hooc-môn trong khoảng thời gian “dâu” chuẩn bị gõ cửa khiến bạn cảm thấy cực kỳ tồi tệ về tâm lý, và ảnh hướng lớn cuộc sống thường ngày của bạn.
Hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD – Premenstrual Dysphoric disorder) là khi bạn cảm thấy trầm cảm, thật khó để tập trung làm việc, ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội hoặc các mối quan hệ với người thân yêu. Tồi tệ nhất là khi bạn có ý định tự tử.
Hiện tại, PMDD vẫn đang là một chủ đề gây tranh cãi, và chưa được quan tâm một cách nghiêm túc, đúng đắn. Tuy nhiên, đã có các nghiên cứu chỉ ra tầm quan trọng của việc phát hiện và điều trị các chứng rối loạn do “chu kỳ dâu” một cách kịp thời.
Hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt PMDD cũng là một chủ đề rất rất hay mà SHE TALKS quan tâm. Chúng mình sẽ chia sẻ tới các bạn trong các bài viết tới. Stay tune nha~~~