Như thế nào thì được coi là “mất trinh”?

Trinh tiết là một khái niệm tồn tại từ thời xửa thời xưa, thường gắn với sự “trong trắng” của một người con gái. Sự “trong trắng” này lại thường được gắn với hành vi quan hệ tình dục thâm nhập, với dương vật tiến vào trong âm đạo, và thường được “hiểu” là sẽ làm rách màng trinh.

Chính vì quan niệm này, mà có rất nhiều bạn suy nghĩ như sau:

“Ồ thế giờ không quan hệ thâm nhập thì sẽ không rách màng trinh, và thế là không mất trinh được”

Cũng chính từ suy nghĩ đó, mà các bạn sẽ thực hiện các hành động khác, như là cởi đồ và cọ xát bên ngoài, make-out, handjob, quan hệ bằng miệng, quan hệ lỗ hậu… Bạn có thể làm mọi thứ từ A đến Y, chỉ cần không làm đến Z (bé ciu chui vào bên trong âm đạo gây rách màng trinh) thì tức là bạn vẫn hoàn toàn yên tâm mình vẫn còn trinh.

Sự thật thì trinh tiết không đơn giản như bạn nghĩ, chúng có nhiều góc nhìn hơn nhiều.

Thứ nhất: Góc nhìn về Màng Trinh

Màng trình không phải là 1 tấm màng, nó chỉ là 1 lớp da thừa bao quanh cửa âm đạo, và nó có lỗ để kinh nguyệt chui ra ngoài mỗi tháng. Nhiều bạn bẩm sinh đã không có màng trinh.

Vậy nên, kể cả bạn có quan hệ thâm nhập, thì cũng không đồng nghĩa với việc rách màng trinh. Màng trinh không tồn tại, thì trinh tiết sẽ mất đi kiểu gì được?

Để hiểu hơn về Màng Trinh, mời bạn xem video 1 phút dưới đây:

Và nhiều bài blog đi kèm  video 1 phút khác nữa:

Thứ 2: Góc nhìn về quan hệ thâm nhập

Bây giờ bạn đã hiểu màng trinh không phải là một tấm màng, nên không thể căn cứ vào việc rách màng trinh để nhận định 1 người đã mất trinh hay chưa.

Nhưng lại có người nói rằng: hành vi đưa bé ciu vào trong âm đạo là thể hiện sự mất trinh rồi.

Okie, vậy thì các bạn lesbian (đồng tính nữ) thì sao nhỉ? Họ không quan hệ thâm nhập như quan niệm của số đông, vậy thì họ sẽ cả đời còn trinh tiết ư?

Và còn cả việc quan hệ bằng miệng, quan hệ đường hậu môn thì sao?

Ngoài ra, sex là một khái niệm rất đa dạng. Nó không chỉ bó hẹp trong hành vi quan hệ thâm nhập giữa dương vật và âm đạo, nó còn bao gồm cả hôn, động chạm cơ thể, sexting (nhắn tin với các nội dung sexy, nhạy cảm)…

Bạn có thể xem thêm 2 bài blog sau để hiểu rõ hơn về sự đa dạng này:

Bạn thấy đó, thật là vô lý nếu chỉ lấy 1 chiếc lỗ (âm đạo) ra để làm thước đo cho sự trinh tiết.

Thứ 3: Góc nhìn khoa học

Sau những giải thích về mặt cơ thể và cách thức quan hệ như ở 2 góc nhìn trên, chúng mình có thể thấy là Trinh tiết vốn dĩ không tồn tại.

Mà đã không tồn tại thì chúng sẽ chẳng thể mất đi được.

Việc quan hệ tình dục (dù bằng bất kỳ hình thức nào) cũng không thể làm “vấy bẩn” cơ thể của bạn. Chúng cũng không thể làm cô bé của bạn rộng ra như nhiều người tưởng tượng:

Và đặc biệt, việc quan hệ với 1 ai đó hoàn toàn không liên quan gì đến giá trị của một con người. Dù cho quan niệm trinh tiết của bạn là gì đi nữa, thì việc “mất trinh” cũng không khiến cho 1 người trở nên “mất giá”.

Thứ 4: Góc nhìn về niềm tin cá nhân

Cuộc sống hiện đại phát triển hơn, nên giới trẻ cũng sẽ có quan niệm cởi mở hơn xưa. Tuy nhiên, sự cởi mở này đôi khi lại đi kèm với những góc nhìn phiến diện, rằng nếu hơn 20 tuổi mà chưa mất trinh thì là cổ hủ. Điều này vô tình tạo nên cái gọi là “áp lực xã hội” và “áp lực đồng trang lứa”.

Đã từng có bạn hỏi mình như sau, và mình tin là có rất nhiều bạn cũng đang có những băn khoăn tương tự:

(Bạn có thể vào link này để đọc phần chia sẻ đầy đủ của mình cho câu hỏi này. Hoặc nếu có câu hỏi gì khác muốn được giấu tên, bạn hãy vào mục “Hỏi nhẹ đáp khẽ” nhé).

Dù khoa học có nói rằng trinh tiết không tồn tại, nhưng chúng ta còn có những niềm tin tôn giáo khác nữa, trong đó “trinh tiết” đơn giản là một đức tin mà bạn không muốn phá vỡ.

Hoặc chỉ đơn giản là ở thời điểm hiện tại, bạn chưa cảm thấy sẵn sàng để quan hệ với một người, vì bạn cảm thấy người đó chưa đủ xứng đáng để chạm tới những nơi thầm kín nhất của mình, hoặc cũng có thể chỉ vì bạn chưa thể ngay lập tức vứt bỏ những quan niệm xưa cũ đã ăn sâu vào tư tưởng khi chúng ta được dạy từ tấm bé…

Niềm tin cá nhân cũng là 1 thứ có thể thay đổi theo thời gian.

5 năm trước có thể “trinh tiết” là tất cả đối với bạn, nhưng 5 năm sau bạn thấy rằng nó chẳng có ý nghĩa gì quan trọng cả. Hoặc ngược lại…

Mình có một cô bạn người Nga, hồi còn đi học mấy đứa bạn mình rất hay kể chuyện yêu đương hẹn hò cho nhau nghe. Cô bạn người Nga này có một anh bạn trai mới, và cổ kể rằng:

“Tao quyết định không quan hệ trong mối quan hệ này, mặc dù trước đây tao đã từng quan hệ rồi, nhưng những năm gần đây tao nghiêm túc hơn với tôn giáo của mình, nên tao sẽ tôn trọng việc không quan hệ trước hôn nhân”.

Bạn thấy đó, dù trinh tiết có thực sự là gì đi nữa, thì cuối cùng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào góc nhìn của mỗi cá nhân. Bạn là người duy nhất có thể quyết định định nghĩa của sự trinh tiết cho riêng mình.

Và hãy nhớ là: Không có định nghĩa nào là đúng hay sai cả. Mọi quyết định, dù có khác biệt như thế nào, thì cũng nên được tôn trọng.

Yêu thương,

Hà Phạm.


Cảm ơn bạn đã đọc các nội dung trên She Talks. Để hiểu hơn về She Talks và người viết (là mình – Hà Phạm), mời bạn đọc bài viết này. Để tìm kiếm các nội dung khác trên She Talks, bạn có thể xem Hướng dẫn sử dụng She Talks tại đây.

Bạn có thể yêu thích nội dung này và muốn chia sẻ nó trên các kênh khác. Vui lòng đọc kỹ Hướng dẫn sử dụng về Trích dẫn nguồn và Bản quyền trước khi chia sẻ các nội dung trên She Talks.

Dưới đây là Series video “1 phút học SexEd cùng She Talks” trên Facebook:

Leave a Reply