Bác sĩ không thể kiểm tra màng trinh còn hay mất!

Bác sĩ có thể kiểm tra màng trinh còn hay mất không?

Câu trả lời, rất to và rõ ràng, là KHÔNG!!

Không có bất-kỳ-ai có thể kiểm tra màng trinh và đưa ra kết luận nó còn hay mất, dù có là bác sĩ! Và điều này đã được WHO thông báo chính thức.

Bài viết này có lẽ là kết quả của giọt nước làm tràn ly bên trong mình.

Nó âm ỉ xuất phát từ những quảng cáo vá màng trinh tràn lan trên mạng.

Nó trở thành một điều đau đáu trong mình từ chính những câu hỏi mà các bạn gửi tới cho mình trên She Talks, hỏi làm thế nào để biết được mình bẩm sinh có màng trinh hay không, hay màng trinh của mình còn hay mất nếu vận động mạnh.

Nó trở nên nặng nề hơn, khi mình đọc được những bài post và chia sẻ về việc các bạn bị chính bố mẹ mình bắt đi bệnh viện để kiểm tra màng trinh, chỉ vì 2 chữ “danh dự”, “giữ giá” cho gia đình.

Và nó trở thành một sự phẫn uất tràn đầy, khi mà gần đây chúng ta nói rất nhiều về việc một nữ nhà văn bị xâm hại cách đây đã hơn 20 năm giờ mới lên tiếng. Các luật sư nói rằng: thật khó để cô ấy làm nên điều gì, bởi vì người ta không chỉ dựa vào lời khai của cô và nhân chứng, người ta cần kiểm tra những tổn thương hữu hình, như vết tinh dịch, như màng trinh bị rách do hiếp dâm…

Ly nước đã tràn rồi, nhưng một người bé nhỏ như mình thì có thể làm gì cơ chứ?

Mình vốn dĩ không phải người hay nêu quan điểm cá nhân, hay kêu gọi cổ động bất kỳ điều gì. Những điều mình có thể làm, là chia sẻ những kiến thức ít ỏi mà mình biết tới các bạn đọc của mình.

Đối với mình, tri thức là sức mạnh. Một kiến thức được trao đi, giống như một hạt mầm, và mình tin rằng một ngày nào đó, những hạt mầm mình đang cố gắng gieo ngày hôm nay sẽ trở thành một rừng cây ở đâu đó vào ngày mai.

Nếu không ai có thể kiểm tra màng trinh, vậy tại sao vẫn tồn tại những dịch vụ kiểm tra và vá màng trinh?

Điều này thuần tuý xuất phát từ những suy nghĩ và quan niệm cổ hủ về khái niệm màng trinh và sự trinh tiết. Tư duy này ăn sâu vào chúng ta, tới mức mà việc kiểm tra màng trinh được coi là một phần của việc tìm ra những bằng chứng gây ra tội phạm hiếp dâm: Nếu một cô gái tố cáo mình bị hiếp dâm ư? Chưa thể tin lời cô ấy nói được, phải kiểm tra màng trinh đã thì mới được coi là bằng chứng hữu hình có giá trị!???

Khi nào những suy nghĩ lạc hậu này còn tiếp tục, thì người ta còn dung túng cho những thủ thuật kiểm tra cơ thể này để đánh giá giá trị của một người con gái.

Tại sao lại không thể kiểm tra màng trinh được?

Thứ nhất, màng trinh không phải là một tấm màng. Mình đã nói rất kỹ về hình dáng và cấu tạo của màng trinh trên She Talks rồi. Nhưng nếu bạn chưa xem, thì có thể tìm đọc lại các bài viết và video dưới đây nha:

Thứ hai, có những bạn bẩm sinh không có màng trinh, và điều này là hoàn toàn bình thường. Chúng ta không thể chỉ vì sinh ra không có một miếng thịt thừa mà phải sống cả một đời không được coi trọng, đúng không?

Thứ ba, vì màng trinh chỉ là một miếng da thừa, nên nếu có rách hay trầy xước, rồi nó cũng sẽ liền lại như bất cứ bộ phận nào trên cơ thể thôi!

Thứ tư: không có bất kỳ một bằng chứng khoa học nào nói rằng việc kiểm tra màng trinh của một người, dù bằng bất kỳ phương pháp hay cách thức nào, có thể đưa đến kết luận là người này đã từng quan hệ hay chưa!

Các cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc, UN Women, UN Human Rights, WHO đều đã lên tiếng và đưa ra thông báo chính thức rằng: việc kiểm tra màng trinh để nhận biết lịch sử quan hệ thâm nhập của một người, dù có được thực hiện bởi bất kỳ mục đích nào từ bác sĩ, cảnh sát… thì đều cần phải bị cấm.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là: Việc thực hiện xét nghiệm màng trinh là không cần thiết về mặt y tế, và nó vi phạm một số nhân quyền và tiêu chuẩn đạo đức, bao gồm cả nguyên tắc cơ bản trong y học là “không gây hại”.

Mình sẽ dịch lại nguyên văn trong thông báo của WHO như sau:

Việc kiểm tra màng trinh không chỉ vi phạm quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái, mà trong trường hợp cưỡng hiếp, điều này còn có thể gây thêm đau đớn và bắt chước hành động bạo lực tình dục ban đầu, dẫn đến việc tái trải nghiệm, tái chấn thương và tái trở thành nạn nhân. Nhiều phụ nữ phải chịu những hậu quả bất lợi về thể chất, tâm lý và xã hội trong thời gian ngắn và dài hạn của việc kiểm tra màng trinh này. Điều này bao gồm lo lắng, trầm cảm và căng thẳng sau chấn thương. Trong những trường hợp cực đoan, phụ nữ hoặc trẻ em gái có thể cố gắng tự sát hoặc bị giết chỉ vì “danh dự”.

WHO khuyến cáo rằng không nên thực hiện xét nghiệm này trong bất kỳ trường hợp nào, dù đó có là trong phạm vi cá nhân, gia đình, hay trong việc tìm kiếm dẫn chứng của tội phạm hiếp dâm.

UN Human Rights, UN Women và WHO cũng đang nỗ lực lên tiếng và truyền đi các thông điệp giúp nâng cao nhận thức của chính các bác sĩ, cảnh sát, những người có trình độ chuyên môn, và cả chính phủ tất cả các quốc gia về việc hiểu biết về bản chất của những hành động kiểm tra màng trinh này, để cùng nhau loại bỏ điều này khỏi xã hội.

Điều quan trọng nhất cần nhớ: Không có bất kỳ một cơ sở khoa học hay y tế nào nói rằng việc kiểm tra màng trinh có thể nhận biết được một người đã từng có hành vi tiếp xúc tình dục hay từng bị hiếp dâm hay không.

Các bạn đọc của SHE TALKS, mình thực sự mong các bạn hãy chia sẻ kiến thức này, bởi chỉ cần có thêm 1 một tiếng nói được cất lên, thì kiến thức sẽ được chia sẻ, và dần dần chính nghĩa sẽ được lan toả, sẽ bớt đi một người (rất có thể là bạn bè, người quen của chúng mình, hay có thể là chính bản thân bạn) phải chịu thiệt thòi, hoặc tệ hơn là những ám ảnh tâm lý, chỉ vì thứ quan niệm đã quá cổ hủ và không dựa trên bất cứ cơ sở khoa học nào cả này!

Yêu thương,

Hà Phạm.

Cảm ơn bạn đã đọc các nội dung trên She Talks. Để hiểu hơn về She Talks và người viết (là mình – Hà Phạm), mời bạn đọc bài viết này. Để tìm kiếm các nội dung khác trên She Talks, bạn có thể xem Hướng dẫn sử dụng She Talks tại đây.

Bạn có thể yêu thích nội dung này và muốn chia sẻ nó trên các kênh khác. Vui lòng đọc kỹ Hướng dẫn sử dụng về Trích dẫn nguồn và Bản quyền trước khi chia sẻ các nội dung trên She Talks.

Dưới đây là Series video “1 phút học SexEd cùng She Talks” trên Facebook:

Leave a Reply