Ngày bé khi đi bơi, ở trong phòng thay đồ, mình có thắc mắc là sao các bà các mẹ lại có… tóc ở vùng tam giác thế kia? Tại sao mình lại ko có?
Sau này dậy thì lớn lên rồi thì mình cũng có, cơ mà mình cũng chả biết nó có tác dụng gì? Cảm thấy nếu nó cũng rườm rà vô dụng như… lông nách, thì thôi hay mình dẹp quách luôn đi? Thế là một ngày đẹp giời mình dẹp sạch =))
Tuy nhiên thì cái gì mọc ra chắc cũng có ý nghĩa của nó (trừ cái màng trinh là ko được cái tích sự gì), nên là sau một hồi tìm hiểu, mình đã phát hiện ra nhiều điều thú vị 😀
Bài viết lần này sẽ nói về những sự thật liên quan tới lông vùng “tam giác vàng”, tác dụng của chúng, và có nên dọn dẹp chúng hay không?
Lông mu là gì?
Lông mu là lông mọc xung quanh bộ phận sinh dục. Việc xuất hiện lông mu là một dấu hiệu nổi bật của tuổi dậy thì đối với hầu hết mọi người, mặc dù mỗi người sẽ có độ nhiều ít khác nhau. Trong giai đoạn dậy thì, cơ thể chúng ta đang trở nên trưởng thành về giới và sức khỏe sinh sản, sự dao động về hormone dẫn đến những thay đổi về thể chất như mọc nhiều lông trên cơ thể (lông nách, lông mặt và lông mu), cũng như những thay đổi khác như ngực lớn hơn, “dâu tây” gõ cửa, nổi mụn…
Lông mu… đến trái đất để làm gì?
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng lông mu phục vụ ba mục đích chính cho cơ thể con người. Bao gồm:
- Giảm ma sát khi “làm chuyện í”.
- Ngăn vi khuẩn và các vi sinh vật truyền sang người khác.
- Duy trì nhiệt độ tối ưu cho bộ phận sinh dục.
Giả thuyết đầu tiên, cũng được coi là lợi ích chính của lông mu, đó là khả năng giảm ma sát khi quan hệ tình dục. Do da ở khu vực xung quanh “cô bé” rất nhạy cảm, và các chuyển động khi bạn “làm chuyện í” lại khá là… cọ xát, nên việc có một lớp lông che chắn sẽ giúp giảm ma xát lên phần da dễ bị tổn thương này.
Giả thuyết thứ hai của lông mu đó là giúp ngăn vi khuẩn và các vi sinh vật khác xâm nhập vào cơ thể. Cụ thể, nó có thể giúp bẫy bụi bẩn và mầm bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể qua “cô bé”, bao gồm cả STIs.
Theo một nghiên cứu năm 2017, lông mu có thể giúp giảm lây nhiễm qua đường tình dục (STIs). Tuy nhiên, trong một nghiên cứu khác, điều này lại không được chứng minh. Vì vậy nên sự liên quan giữa lông “vùng tam giác” và việc lây nhiễn STIs là không chắc chắn.
Thứ ba, lông mu giúp duy trì nhiệt độ ổn định ở khu vực xung quanh “cô bé”. Khi nhiệt độ bên ngoài quá lạnh hoặc quá nóng, “cô bé” sẽ luôn được che chở để cảm thấy thật thoải mái.
Ngoài ra, còn có một giả thuyết khác, như là lông mu giúp giữ mùi hương đặc biệt toát ra từ “cô bé”, để nhằm thu hút “người ấy”. Điều này theo quan niệm con người giống với loài vật, khi đến thời kỳ giao phối thì sẽ tỏa ra một vài hoocmon tạo ra những mùi hương đặc biệt để quyến rũ bạn tình.
Sự thật là lông mu giúp làm tăng cảm giác khi “làm chuyện í”
Theo tác giả của sách “The Wonder Down Under”, thì lông mu mọc trên cơ thể bạn chắc chắn là có lý do. Và lý do ở đây là giúp tăng các cảm giác tiếp xúc khi quan hệ.
Khi “người í” của bạn có những cử động tiếp xúc tới vùng lông mu của “cô bé”, điều này sẽ khiến những sợi lông bị uốn cong, và chính sự uốn cong này sẽ truyền tín hiệu xuống nang lông, và nhắn nhủ tới hệ thống thần kinh của bạn.
Nang lông có liên kết tới các dây thần kinh. Vậy nên nếu không có những sợi lông này, bạn sẽ mất đi một phần nhận biết về cảm giác.
Có nên “dọn dẹp khu rừng rậm”?
Tất cả những điều vừa nói ở trên đều là lý thuyết, có những lý thuyết dựa trên cơ sở khoa học, có những lý thuyết chưa thực sự thuyết phục qua những bản khảo sát.
Tuy nhiên, tất cả những điều này đều không quá quan trọng để có thể ảnh hướng tới quyết định nên hay không nên dọn dẹp “vùng tam giác” của bạn 😀
Vậy nên đơn giản là, việc bạn muốn “để rừng rậm tự nhiên”, hay giữ cho cô bé sạch sẽ trơn tru, hoặc cắt tỉa hình thù cho thêm phần sinh động,… Tất cả đều là do bạn quyết định.
Ở bài viết sau, She Talks sẽ trả lời câu hỏi Tại sao nhiều người lại muốn cắt tỉa “khu rừng rậm hình tam giác” này?. Bài viết sẽ hé lộ những lý do tưởng như là dựa trên quyết định cá nhân, nhưng thực tế lại xuất phát từ những lầm tưởng về sex.
Hẹn bạn đọc của She Talks trong bài viết sau nha 😀
Mãi yêu.