Đau bụng kinh là điều “thường như cân đường hộp sữa”. Hầu hết con gái tụi mình ai cũng đã từng “dính chưởng” đau bụng kinh này, không nhiều thì ít.
Cảm giác của đau bụng kinh giống như là đau quặn các múi cơ ở phần bụng dưới, và cảm giác khó chịu ấy có thể lan ra cả lưng và hông. Đôi khi bạn có thể gặp phải những cơn co thắt dữ dội, nhưng cũng có những khi chỉ là những cơn đau âm ỉ, kéo dài.
Không phải chu kỳ dâu nào bạn cũng sẽ gặp những cơn đau này. Cũng có những kỳ dâu mà bạn chỉ hơi hơi đau chút thôi, nhưng cũng có những bạn luôn phải chịu đựng những cơn đau dữ dội. Đôi khi, bạn cũng có thể có cảm giác bị đau ở phần xương chậu, ngay cả khi bạn đang không ở trong kỳ đèn đỏ.
Lý do dẫn đến đau bụng kinh là gì?
Đau bụng kinh xảy ra khi lớp cơ của thành tử cung thắt chặt lại (hay còn gọi là co cơ). Các cơn co thắt nhẹ liên tục xảy ra trong tử cung của bạn, nhưng chúng thường nhẹ đến mức hầu hết chúng mình không thể cảm nhận được.
Trong kỳ dâu, lớp cơ thành tử cung này bắt đầu co bóp mạnh hơn để giúp niêm mạc tử cung bong ra như một phần hoạt động của “dâu tây”. Khi thành tử cung co lại, nó sẽ nén các mạch máu lót trong tử cung của bạn. Điều này tạm thời cắt đứt nguồn cung cấp máu – và cung cấp oxy – đến tử cung của bạn. Không có oxy, các mô trong tử cung của bạn giải phóng các hóa chất gây đau. Trong khi cơ thể bạn đang giải phóng các hóa chất gây đau này, nó cũng sản xuất các hóa chất khác gọi là prostaglandins. Prostaglandins là một nhóm các lipid được tạo ra tại các vị trí tổn thương mô hoặc nhiễm trùng. Những chất này khuyến khích các cơ tử cung co bóp nhiều hơn, làm tăng thêm mức độ đau.
Khá là khó để trả lời tại sao một số bạn lại trải qua những cơn đau dữ dội hơn những bạn khác. Có thể là do các bạn này có sự tích tụ của prostaglandin, tức là họ trải qua các cơn co thắt mạnh hơn.
Đau bụng kinh bị gây ra bởi tình trạng bệnh lý
Đau bụng kinh có thể xảy ra do một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào đó. Tuy nhiên thì trường hợp này không phổ biến lắm, và thường chỉ xuất hiện khi bạn ở độ tuổi trong khoảng 30-45.
Các bệnh lý có thể gây ra đau bụng kinh bao gồm:
– Lạc nội mạc tử cung (Endometriosis) – nơi các tế bào thường nằm trong tử cung phát triển ở những nơi khác, chẳng hạn như trong ống dẫn trứng và buồng trứng; những tế bào này có thể gây đau dữ dội khi chúng rụng.
– U xơ (Fibroids) – khối u không phải ung thư có thể phát triển trong hoặc xung quanh tử cung và có thể làm cho chu kỳ của bạn nặng nề và đau đớn.
– Bệnh viêm vùng chậu (Pelvic inflammatory disease) – nơi tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng của bạn bị nhiễm vi khuẩn, khiến chúng bị viêm nặng
– Lạc nội mạc trong tử cung (Adenomyosis) – nơi các mô thường nằm trong tử cung bắt đầu phát triển bên trong lớp thành cơ của tử cung, làm cho chu kỳ của bạn đặc biệt đau đớn.
Đau bụng kinh do sử dụng vòng tránh thai
Vòng tránh thai (IUD) là hình thức tránh thai sử dụng que cấy hình chữ T làm từ đồng và nhựa, nằm gọn trong tử cung. Cách này có thể gây ra đau bụng dưới khi tới kỳ dâu, những cơn đau sẽ diễn ra với cường độ nhiều và mạnh hơn, đặc biệt là trong một vài tháng đầu sau khi được đưa vào cơ thể.
Bạn có thể nhận thấy sự khác biệt giữa những cơn đau bình thường với cơn đau liên quan đến tình trạng bệnh lý hoặc sử dụng vòng tránh thai. Ví dụ, cơn đau có thể nghiêm trọng hơn hoặc có thể kéo dài lâu hơn bình thường.
Đau bụng kinh thường kéo dài trong bao lâu?
Đau bụng kinh thường bắt đầu khi “dâu rụng”, mặc dù cũng có người có thể bị đau từ vài ngày trước khi chu kỳ đèn đỏ bắt đầu. Cơn đau thường kéo dài 48 – 72 giờ, hoặc cũng có thể lâu hơn. Thông thường bạn sẽ cảm thấy đau nhất vào ngày “dâu rụng” nhiều nhất.
Đau bụng kinh mà không phải do các nguyên nhân tiềm ẩn thì sẽ dần cải thiện khi bạn nhiều tuổi hơn. Nhiều phụ nữ cũng nhận thấy các cơn đau này được giảm sau khi họ sinh em bé.
Làm sao để giảm đau bụng mỗi khi “nàng dâu” gõ cửa?
Thông thường thì đau bụng kinh đều có thể tự điều trị tại nhà.
Sử dụng thuốc giảm đau:
Bạn có thể dùng thuốc ibuprofen hoặc aspirin để kiểm soát cơn đau.
Tuy nhiên, không nên sử dụng 2 loại thuốc này nếu bạn bị hen suyễn, hoặc gặp các vấn đề về dạ dày, thận và gan. Aspirin cũng không nên sử dụng cho các bạn trẻ dưới 16 tuổi.
Bạn cũng có thể sử dụng paracetamol, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng loại thuốc này không làm giảm các cơn đau được hữu hiệu như ibuprofen hay aspirin.
Nếu các liều thuốc giảm đau thông thường không thể giúp bạn cải thiện cơn đau, bạn nên ra hiệu thuốc hoặc nhờ tới tư vấn của bác sĩ.
Các cách giảm đau khác mà bạn có thể tự làm:
– Ngừng hút thuốc – thuốc lá được cho là nguyên nhân làm gia tăng các cơn đau.
– Tập thể dục đều đặn – bạn có lẽ sẽ không cảm thấy thoải mái khi vận động trong những ngày đèn đỏ, tuy nhiên thì chính việc vận động này lại là một liệu pháp giảm đau hữu hiệu. Hãy thử các môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ, hoặc đạp xe xem sao nha ~
– Trườm nóng – đặt túi sưởi ấm lên bụng dưới để làm giảm cơn đau.
– Tắm nước ấm – sử dụng nước ấm để tắm sẽ làm hạ bớt cơn đau và giúp bạn thư giãn.
– Massage – massage nhẹ nhàng theo chiều vòng tròn quang vùng bụng dưới cũng sẽ làm giảm cơn đau của bạn.
– Các kỹ thuật thư giãn – các hoạt động giúp thư giãn, thả lỏng, như Yoga chẳng hạn, có thể sẽ giúp bạn quên đi cơn đau và những cảm giác khó chịu.
Thuốc tránh thai cũng có thể làm dịu cơn đau:
Các bác sĩ có thể sẽ kê cho bạn sử dụng thuốc tránh thai, vì loại thuốc này có tác dụng làm dịu cơn đau. Lý do là chúng làm mỏng lớp thành tử cung và giảm các chất prostaglandin gây đau mà cơ thể tiết ra. Thành tử cung mỏng hơn có nghĩa rằng các lớp cơ của tử cung không phải co bóp mạnh khi chúng bong ra. Nhờ vậy “nàng dâu” cũng sẽ nhẹ nhàng và ít hơn.
Nếu như việc sử dụng thuốc tránh thai không phù hợp với bạn, thì các hình thức tiêm hoặc cấy tránh thai cũng có thể là một hình thức thay thế khác.
Đau bụng kinh có ảnh hưởng gì tới khả năng sinh sản không?
Đau bụng kinh là một triệu trứng rất bình thường của một chu kỳ “dâu tây”, vậy nên nó sẽ không ảnh hưởng tới việc thụ thai của bạn.
Tuy nhiên, nếu lý do đằng sau những cơn đau bụng kinh này là do các bệnh lý, thì rất có thể nó sẽ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của bạn. Ví dụ, lạc nội mạc tử cung và bệnh viêm vùng chậu có thể gây ra sẹo và tích tụ mô trong ống dẫn trứng của bạn, khiến tinh trùng khó tiếp cận và thụ tinh với trứng hơn.
Nguồn: NHS, WOMEN’S HEALTH CONCERN