Ai đã từng xem những bộ phim kinh dị như Hàm Cá Mập, hay là phim… hoạt hình như Đi Tìm Nemo, chắc không thể không nhớ một trong những kỹ năng siêu việt của anh em nhà cá mập: ngửi mùi máu từ xa hàng kilomet.
Chỉ cần một giọt máu rơi xuống biển, rồi hít một hơi, thì những tên cá mập dù có hiền lành đụt đụt, ăn chay trường, hay thường xuyên niệm thần chú “Cá là bạn, không phải là thức ăn”, cũng sẽ ngay lập tức phát dồ và hiện nguyên bản chất sát thủ của mình, lồng lộn đi tìm con mồi…
Vậy mà chẳng may, bạn đến kỳ dâu ngay khi đang đi lặn biển, thì liệu cá mập có phát hiện ra mà lao tới tấn công bạn hay không?
Bài viết này sẽ giải thích cho bạn 😉
Bạn cũng có thể xem chiếc video hoạt hình 1 phút dưới đây, tổng kết lại thông tin trong bài viết ^^!
Kinh nguyệt là một chủ đề có rất nhiều hiểu lầm lùm xùm, một trong số những lùm xùm ấy là “huyền thoại” về việc máu kinh thu hút cá mập, khiến nữ giới đang trong thời kỳ kinh nguyệt dễ bị cá mập tấn công hơn. Điều này có thật hay không?
Sự thật 1: Cá mập không thực sự bị thu hút bởi máu người
Mặc dù cá mập có thể ngửi thấy mùi máu, nhưng chúng không coi đó là dấu hiệu của con mồi mà mình cần ăn thịt.
Ngược lại, cá mập bị thu hút bởi mùi của các axit amin phát ra từ máu, ruột và chất béo của những con mồi mà chúng quan tâm – ở đây là một số loài động vật biển. Tức là không phải cứ ngửi thấy mùi máu là cá mập sẽ… xồ ra ăn thịt. Chúng khá là có chọn lọc.
Trong khuôn khổ nội dung của She Talks, chúng mình sẽ không đi sâu vào các kiến thức sinh học của cá mập, tất nhiên. Điều quan trọng hơn cần nói tới ở đây, là sự thật về kinh nguyệt.
Sự thật 2: Máu kinh không phải là… máu
Một điều quan trọng siêu to khổng lồ mà bạn cần biết, đó là máu kinh không phải chỉ là máu.
Nó thực chất còn là sự tổng hòa của niêm mạc tử cung, chất nhầy cổ tử cung và các loại dịch khác tiết ra bên trong “cô bé”.
Lượng máu chất như nước cất mà bạn mất đi mỗi “kỳ dâu” chỉ vào khoảng 30-40ml, nhiều lắm là khoảng 80ml, tức là chỉ khoảng 6 thìa cafe bé tí teo mà thôi. Và tất nhiên là chúng còn hòa quyện với các dịch tiết khác, trải dài suốt vài ngày trong 1 chu kỳ, chứ không phải 100% kinh nguyệt bạn tiết ra mỗi tháng đều chỉ là máu.
Chris Lowe, một nhà nghiên cứu về cá mập tại Đại học Long Beach thuộc bang California, cho biết: “Trên thực tế, lượng máu mất đi trong một kỳ dâu có thể ít hơn cả vết xước hoặc vết cắt trung bình mà một đứa trẻ hoặc vận động viên lướt sóng có thể gặp phải khi vận động dưới nước nữa.
Kết luận: Tụi cá mập không thèm đoái hoài gì tới những hỗn hợp mùi trong máu kinh của bạn đâu!
“Đến kỳ mà đi biển thì có bị cá mập cắn không?” là một câu hỏi… buồn cười, nhưng thực tế là có rất nhiều người thắc mắc, và thậm chí, có người còn tin rằng điều này là thật.
Hy vọng bài viết này không chỉ cho bạn câu trả lời, mà điều quan trọng hơn, là hiểu thêm một chút về kinh nguyệt của con gái chúng mình ^^!
Yêu thương,
Hà Phạm.
Nội dung bài viết thuộc bản quyền của She Talks. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ khi chia sẻ nội dung của She Talks trên bất cứ nền tảng nào.
Nguồn thông tin tham khảo thêm trong bài viết: Sách “The Period Power”; Vinmec; Popular Science