Tại sao nữ giới nên nói nhiều hơn về sex?

Cách đây một vài năm khi mình bắt đầu chia sẻ với một số bạn bè của mình rằng mình quan tâm tới sex education, phản ứng của hầu như tất cả mọi người đều là “wow”, vì rất hiếm khi họ gặp một người, đặc biệt là nữ, có một niềm quan tâm tới chủ để ai-cũng-nghĩ-tới, nhưng không-ai-nói-ra này. Trong con mắt của mọi người, mình, hẳn phải có một lối sống rất cởi mở, VÀ phải thật dũng cảm.

Từ những câu hỏi không có câu trả lời thỏa đáng

Sự thật thì, mình chỉ là một người theo chủ nghĩa công bằng, một người có rất nhiều câu hỏi, và luôn cảm thấy… ấm ách trong lòng khi nhận được những câu trả lời không thỏa đáng. Và có một điều là, những câu trả lời không thỏa đáng và không công bằng nhất mà mình nhận được, từ khi còn là một cô nhóc ngồi trên ghế trường trung học đến giờ, lại luôn là những vấn đề liên quan tới Sex

(Định nghĩa về “sex” bao gồm rất nhiều khía cạnh, từ kiến thức về cơ thể, sức khỏe sinh sản, cho tới sự đồng thuận trong các mối quan hệ,… chứ không chỉ dừng lại ở việc quan hệ tình dục có dương vật tiến vào trong âm đạo. Bạn có thể đọc một bài viết khác của mình về các định nghĩa về sex tại link đính kèm hình dưới đây).

Mình đã từng hỏi:

  • Tại sao các bác bán hàng luôn cho mình một chiếc túi nilon đen để đựng băng vệ sinh?
  • Tại sao khi đến kỳ dâu thì không được thắp hương hay đi lễ chùa?
  • Tại sao con gái lại phải giữ gìn trinh tiết còn con trai thì không?
  • Tại sao con trai đã quan hệ với nhiều người thì có thể tự hào rằng mình cool ngầu và đầy kinh nghiệm, còn nếu là con gái, thì sẽ bị cho là… không ra gì?

Nói tới đây chắc bạn cũng cảm thấy có một sự… ấm ách nhẹ trong lòng đúng không? 😀 Bới đây là những câu hỏi, nếu ko nói ra, thì sẽ mãi ở đó, như một sự thật hiển nhiên…

Đến những “điều hiển nhiên kỳ cục”

Sau này, khi bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về sex, mình mới nhận ra là có quá nhiều thứ khác mà mình không biết. Và mình nhận ra một sự thật khác:

Chúng ta lớn lên với một “niềm tin” rằng sex là một thứ kiến thức/kỹ năng mà chúng ta sẽ tự nhiên có khi… đến tuổi (lấy chồng chẳng hạn), rằng chúng ta sẽ, và nên, làm tốt theo bản năng.

Từ nhỏ, chúng ta được dạy những bài học cơ bản của việc làm người, khi lớn hơn, chúng ta học cách học, học văn, học toán; lớn hơn chút nữa, chúng ta học cách kiếm việc làm. Nhưng chúng ta lại mặc nhiên phải biết cách quan hệ tình dục, mặc nhiên phải biết dùng bao cao su, mặc nhiên phải biết lên đỉnh, mặc nhiên phải cảm thấy vui vẻ thoải mái với sex… Thật buồn cười phải không? 

Thực tế là, sex không phải là bản năng, đó là một quá trình tìm hiểu, khám phá và yêu thương bản thân, là sự đồng thuận, là những lời đối thoại với người mình yêu.

Nhưng, nếu chúng ta không nói về sex, và luôn coi sex như một thứ gì đó “đen tối”, “tục tĩu”, vậy sẽ có rất nhiều người khác nói ra, nhưng lại là những thông tin không chính xác, hoặc tệ hơn, những điều khiến suy nghĩ và lối sống của bạn đi chệch hướng.

Hãy nói về Sex một cách bình thường và bao dung

Gần đây, mình có theo dõi một vài group về giáo dục giới tính trên facebook, những group có hàng nghìn, tới chục nghìn người follow, đa phần là các bạn trẻ dưới 25 tuổi. Có rất nhiều câu hỏi được đăng lên hằng ngày, mỗi câu hỏi sẽ có hàng nghìn lượt tương tác, comments. Đây là một điều tích cực, chứng tỏ các bạn trẻ ngày nay đã cởi mở hơn rất nhiều về sex. Tuy nhiên, trong số hàng ngàn comments đó, đa phần sẽ là những phản hồi mang tính cười cợt, định kiến, phán xét. Bạn đăng một bài post lo lắng về việc không biết có dính bầu hay không? Thay vì những câu trả lời thành thật, bao dung, thứ bạn nhận lại là vô vàn phản hồi nói bạn dốt, rằng có thế mà cũng đi hỏi, hay tệ hơn, là dọa dẫm rằng bạn nên chuẩn bị 2 vạch đi khiến bạn thêm phần hoang mang.

Làm sao chúng ta tự nhiên biết, nếu không có ai nói cho chúng ta về tất cả những điều đó?

Và làm sao chúng ta có thể tự tin tiếp tục trau dồi kiến thức về tình dục của mình, nếu không ai bao dung và khích lệ chúng ta tìm hiểu về những điều đó?

Khi suy nghĩ về chủ đề này, mình đã xem một video TED Talk do nhà giáo dục giới tính Debby Herbenick trình bày, có tựa đề “Hãy làm cho sex trở nên bình thường” (Making Sex Normal). Theo tác giả, “bình thường” ở đây nghĩa là khiến những chủ đề về tình dục, cơ thể và giới tính trở thành một điều hoàn toàn bình thường của mọi cuộc trò chuyện. Tác giả tin rằng nếu mọi người thoải mái hơn khi nói về sex, họ sẽ có kết nối nhiều hơn với cơ thể và tính dục của chính bản thân mình, từ đó có thể tự tin, thoải mái trao đổi về sở thích, những điều họ không thích và ranh giới tình dục của họ đối với người bạn đồng hành (partner) của mình.

Herbenick nói: “Quá nhiều người trong chúng ta không biết cách nói chuyện về tình dục và sức khỏe tình dục ở mức độ cá nhân, với bạn đời, con cái, bác sĩ hoặc bạn bè của chúng ta. Kết quả là, các mối quan hệ và sức khỏe có thể bị ảnh hưởng và thông tin quan trọng thì không đến được với những người cần nó”.

Vậy đó, mình tin rằng nếu chúng ta, đặc biệt là nữ giới, nói về sex một cách cởi mở và thoải mái hơn, thì chúng ta sẽ trả lời được những câu hỏi mà ba mẹ và thầy cô đã không thể trả lời một cách thỏa đáng; sẽ chuẩn bị được cho bản thân những kiến thức đúng và cần thiết để không phải loay hoay với những “điều hiển nhiên kỳ cục”; và quan trọng hơn, sẽ có những kết nối tuyệt vời hơn với cơ thể, với tính dục của bản thân, với người bạn đồng hành của mình.

Đây cũng là lý do mà mình tiếp tục với blog She Talks, để nói ra những suy nghĩ của bản thân, và chia sẻ nó với mọi người ^^.

Mình sẽ kết lại bài viết này, bằng một câu nói của Olivia Richman – một sinh viên y khoa và một nhà giáo dục giới tính trong một buổi TED Talk khác có tên “Hãy nói về giáo dục giới tính” (Let’s talk about sex education):

“Nếu bạn muốn một cuộc sống đầy khó khăn, hãy nói về những điều đơn giản.

Nếu bạn muốn một cuộc đời đơn giản, dễ dàng, hãy nói về những điều khó nói”

 

(If you want a hard life, have easy conversations –

If you want an easy life, have hard conversations)

Đã tới lúc chúng ta, những người trẻ, cần nói về những điều khó nói này, để có một cuộc sống thoải mái, dễ dàng, và hạnh phúc hơn.

Cảm ơn bạn, vì đã đọc đến những dòng cuối cùng này 🙂

Thương.

Leave a Reply