App tính ngày an toàn vận hành theo cơ chế nào? Có tin tưởng được không?

Nếu bạn đang sử dụng app theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, và chiếc app này thông báo trúng phóc ngày bạn đến kỳ, vậy dự báo về ngày an toàn của những chiếc app này chắc cũng trúng phóc luôn?

Các ứng dụng này vận hành như thế nào? Liệu có thực sự tin tưởng được về tính chính xác của chúng? Liệu bạn có thể toàn tâm toàn ý dựa vào ngày an toàn được thông báo trên app và quan hệ trần xuất ngoài mà không lo dính bầu hay không? Bài viết này sẽ giải đáp cho bạn ^^!

Bạn có thể xem chiếc video 1 phút tóm tắt lại bài viết này như dưới đây, nhưng hãy đọc hết đến cuối nha, vì bạn sẽ hiểu kỹ hơn là xem video đó~

Trước khi nói về cách các ứng dụng này vận hành, chúng mình cần phải hiểu rõ cơ thể vận hành như thế nào trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt trước đã.

She Talks đã từng có một bài viết về “Việc dính bầu không dễ như bạn nghĩ“.

Tại sao ư? Vì chỉ có 1 ngày trong tháng là bạn mới có thể thụ thai mà thôi, đó là khi chiếc trứng xinh rụng khỏi buồng trứng. Tuy nhiên, ngày rụng trứng này lại vô cùng khó dự đoán chính xác, đó là lý do vì sao bạn luôn cần sử dụng các biện pháp tránh thai nếu chưa sẵn sàng cho việc dính bầu.

Chính vì khó dự đoán ngày rụng trứng, nên người ta thường sẽ tính toán 1 “khoảng thời gian rụng trứng“. Tức là thay vì mò mẫm xem ngày nào trứng mới rụng, thì bạn có thể tính nguyên một lô vài ngày, trứng sẽ rụng vào 1 trong số những ngày đó.

Sau đây là 4 phương pháp phổ biến để tính toán “khoảng thời gian dễ dính bầu” này:

Phương pháp 1: Phép tính tiêu chuẩn

Phương pháp này áp đặt một khung thời gian tiêu chuẩn lên tất cả mọi người, đó là: trứng sẽ rụng vào khoảng ngày thứ 8 đến ngày thứ 19 trong một chu kỳ kinh.

Tức là giả dụ ngày đầu tiên rụng dâu của bạn trong tháng 1 này là ngày 4/1, thì khoảng thời gian bạn dễ dính bầu nhất là từ ngày 11/1 (8 ngày kể từ ngày 4/1) đến ngày 22/1 (19 ngày kể từ ngày 4/1).

Phương pháp 2: Ngày rụng trứng giả định

Phương pháp này còn đơn giản hơn phương pháp 1, giả định rằng trứng sẽ luôn rụng vào khoảng giữa, tức là khoảng ngày 14-15 trong 1 chu kỳ kinh nguyệt.

Ví dụ: ngày đầu tiên rụng dâu của bạn trong tháng 1 là ngày 4/1, thì ngày rụng trứng của bạn sẽ rơi vào ngày 17/1 hoặc ngày 18/1 (14-15 ngày kể từ ngày 4/1).

Hai phương pháp này tất nhiên chỉ là để tham khảo, giúp bạn mường tượng được một cách cơ bản về chu kỳ kinh của mình. Tuy nhiên thì trong thực tế, chẳng có ai giống ai cả, và chu kỳ của cùng 1 người cũng có thể thay đổi trong những tháng khác nhau, nên tất nhiên, trứng xinh sẽ chẳng bao giờ rụng trúng ngày theo cách tính đó cả.

Đây ko phải là phương pháp mà bạn có thể tin tưởng để tính được ngày an toàn đâu nhá! 

Phương pháp 3: Phương pháp nhịp điệu (tiếng Anh còn gọi là “the rhythm method”)

Phương pháp này sử dụng công thức đơn giản để dự đoán khung thời gian mà bạn dễ thụ thai. Theo cách tính này, khung thời gian dễ thụ thai của bạn được dự đoán là bắt đầu vào ngày [X – 18] và kết thúc vào ngày [Y – 11], trong đó X là số ngày trong chu kỳ kinh ngắn nhất của bạn trong vòng 6 tháng gần nhất, và Y là số ngày trong chu kỳ dài nhất của 6 tháng đó.

Ví dụ:

  • Nếu trong vòng 6 tháng nay, chu kỳ kinh NGẮN nhất của bạn dài 26 ngày, vậy thì X=26. [X -18] = [26-18] = 8.
  • Nếu trong vòng 6 tháng nay, chu kỳ kinh DÀI nhất của bạn là 30 ngày, vậy thì Y=30, và [Y-11] = [30-11] = 19

Điều này có nghĩa là nếu tháng 1 này, ngày đầu tiên bạn rụng dâu là ngày 4/1, thì ngày đầu tiên trong “khoảng thời gian dễ dính bầu” của bạn sẽ là trong vòng 8 ngày kể từ ngày 4/1 đó. Tức là nó sẽ rơi vào ngày 11/1 như ở bảng dưới đây.

Ngày 11/1 là ngày dễ thụ thai đầu tiên của chu kỳ này – bạn nên ngừng quan hệ tình dục qua đường âm đạo vào ngày này hoặc bắt đầu sử dụng một phương pháp ngừa thai khác.

Còn ngày cuối cùng trong “khoảng thời gian dễ dính bầu” này sẽ là ngày thứ 19 tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ dâu (4/1). Nhìn vào bảng lịch bên dưới đây, thì nó sẽ rơi vào ngày 22/1.

Vì vậy, ngày 22/1 là ngày dễ dính bầu cuối cùng của chu kỳ này – bạn có thể bắt đầu quan hệ tình dục không an toàn kể từ ngày 23/1 trở đi.

Phương pháp 4: phương pháp nhịp điệu thay thế (về cơ bản là giống phương pháp 3 ở trên, chỉ khác về phép tính tui)

Công thức được áp dụng cho phướng pháp 4 này là:

Nếu X là độ dài chu kỳ ngắn nhất và Y là độ dài của chu kỳ dài nhất trong vòng 6 tháng nay của bạn, thì những ngày “không an toàn” sẽ bắt đầu từ ngày [½X – 5] và kéo dài trong [Y-X+8] ngày.

Quay lại với ví dụ ở trên:

  • Nếu trong vòng 6 tháng nay, chu kỳ kinh NGẮN nhất của bạn dài 26 ngày, vậy thì X=26. [½X – 5] = [½ 26 – 5] = 8.
  • Nếu trong vòng 6 tháng nay, chu kỳ kinh DÀI nhất của bạn là 30 ngày, vậy thì Y=30, và [Y-X+8] = [30-26+8] = 12

Nếu ngày đầu tiên bạn rụng dâu trong tháng 1 là 4/1, thì tức là ngày đầu tiên trong khoảng thời gian không an toàn là ngày 11/1 và kéo dài trong vòng 12 ngày. Con số này cũng tương ứng với kết quả như ở phương pháp 3 lun. Đó là lý do vì sao người ta gọi nó là phương pháp thay thế cho phương pháp 3.

Hai phương pháp 3 và 4 này chỉ có thể dự đoán những ngày có nhiều khả năng là ngày an toàn và không an toàn. Nhưng chúng không thể cho bạn biết chắc chắn chính xác thời điểm bạn rụng trứng.

Vậy các ứng dụng theo dõi chu kỳ của bạn vận hành theo phương pháp nào?

Thuật toán mà các ứng dụng theo dõi kinh nguyệt là một… bí mật chưa được bật mí. Nhưng các tài liệu nghiên cứu thì cho rằng chúng đều chỉ dựa trên 4 phương pháp ở trên mà thôi.

Tức là bạn sẽ nhập thông tin ngày đầu đến kỳ của mình vào app. Sau đó app sẽ lưu trữ lại tất cả các thông tin bạn nhập vào trong vòng nhiều tháng, nhiều năm, sử dụng dữ liệu đó để lấy ra số X và số Y cần thiết, rồi áp vào các phép tính ở trên mà thui.

Vậy thì có tin tưởng được kết quả mà app đưa ra hay không?

Trong thực tế, chu kỳ mỗi tháng của bạn không phải lúc nào cũng 100% có độ dài y như nhau, chúng có thể du di xê lệch 1-2 ngày, thậm chí vài ngày, vài tuần, hoặc… vài tháng. Và chỉ cần chu kỳ xê dịch 1-2 ngày thôi, là ngày an toàn của bạn cũng đã có thể lệch đi vài dặm rồi :)) Nếu chu kỳ của bạn còn thường xuyên ngắn hơn 27 ngày nữa, thì chắc chắn không có phương pháp nào ở trên có thể áp dụng cho bạn được.

Trong 1 nghiên cứu vào năm 2018, tính chính xác của các loại app tính ngày rụng trứng chỉ dừng ở mức… 21%.

Thấp tè vậy thì dẹp xừ đi chứ còn dùng app làm gì nữa?!

Ây khoan khoan~ Mặc dù tính ngày rụng trứng là một thứ không ai có thể nói hay được, những chiếc ứng dụng này thực ra cũng giúp ích cho chúng mình được nhiều điều đó ^^!

Chúng giúp bạn hiểu về cơ thể của mình hơn, bởi nhờ đó mà bạn biết được khi nào thì mình có PMS – hội chứng tiền kinh nguyệt, biết được độ dài mỗi chu kỳ của mình, từ đó có những sự chú ý nhất định về sức khỏe. Như là tại sao tháng này lại lâu có kinh hơn tháng trước, có thể là do stress, vậy thì tháng này mình nên thả lỏng hơn.

Những chiếc app này cũng giúp bạn có sự chuẩn bị tinh thần mỗi khi dâu gõ cửa. Bạn sẽ lường trước được là mình đang trong giai đoạn bị PMS, nên bạn có thể thông báo cho người í rằng “mấy hôm nay em mà có cáu gắt hay tự dưng khóc lóc bù lu bù loa lên thì đừng ngạc nhiên nhé, em đang PMS đó”, và chờ đợi người ấy mua cho mấy thanh socola để gặm nhấm chẳng hạn. Bạn cũng sẽ không để bản thân bị rơi vào cảnh không có băng vệ sinh khi nàng dâu gõ cửa nữa.

Ngoài ra, các ứng dụng này cũng có rất nhiều thông tin và chức năng hữu ích khác. Ví dụ như nhắc nhở bạn uống đủ nước, cung cấp cho bạn những kiến thức liên quan tới sức khỏe sinh sản, vân vân và mây mây…

Kết luận

Cả 1 bài dài thế này cũng chỉ là để chốt lại 1 câu là: không có bất kỳ sự kỳ diệu công nghệ nào có thể tính toán được những thay đổi trong cơ thể của bạn cả.

Nếu bạn hoàn toàn chưa sẵn sàng cho việc dính bầu, hãy luôn luôn sử dụng các biện pháp phòng tránh thai, cho dù đó có là ngày an toàn hay không nhé!

Yêu thương,

Hà Phạm.


Nguồn tham khảo:

Bài nghiên cứu về “Can apps and calendar methods predict ovulation with accuracy?” của Sarah Johnson, Michael Zinaman và Lorrae Marriott

Bài nghiên cứu về “Timing Clinic Visits to Phases of the Menstrual Cycle by Using a Fertility Monitor: The BioCycle Study” của nhiều tác giả trên American Journal of Epidemiology

1 Comment

Add Yours →

Leave a Reply