Chưa rách màng trinh có dùng cốc nguyệt san được không?

Tiếp tục trả nợ câu hỏi ẩn danh qua chuyên mục Hỏi nhẹ Đáp khẽ cùng She Talks.

Chiếc câu hỏi đã được gửi tử mùa quýt năm nào mà giờ mình mới xờ tới, rất xin lỗi em 🙁

“Cốc nguyệt san có thể được sử dụng cho người chưa rách màng trinh được không ạ? Em muốn chuyển qua sử dụng CNS nhưng vẫn chưa dám vì còn thắc mắc. Mong chị trả lời ạ.”

Câu trả lời là: Được, hoàn toàn cực kỳ được lun! Chị ủng hộ nhiệt tình!

Mỗi tội là em sẽ phải chuẩn bị tinh thần vì việc đút cốc nguyệt san vào sẽ khá là khó khăn, và sẽ tốn kha khá thời gian. Điều này xảy ra với bất cứ ai lần đầu sử dụng cốc nguyệt san, chứ không riêng gì việc màng trinh đã rách hay chưa.

Bài blog hôm nay sẽ giải thích kỹ hơn để em có một sự chuẩn bị tốt nhất trong hành trình sống xanh bền vững với CNS nhé ^^!

Cấu tạo, bản chất của Màng Trinh

Việc hiểu cơ thể là điều cơ bản và quan trọng nhất trước khi chúng mình tin vào bất cứ một quảng cáo, review nào, và trước khi đưa ra quyết định nên hay không nên làm gì. Đây cũng là kim chỉ nam của She Talks, sex education phải bắt đầu từ việc hiểu và yêu cơ thể mình, trước khi học tới các típ hay cách sử dụng các sản phẩm tránh thai, kinh nguyệt.

Trước khi lo lắng xem dùng cốc nguyệt san có làm rách màng trinh không, mình phải hiểu về Màng Trinhkhái niệm Trinh Tiết đã.

Màng trinh không phải là một tấm màng, nó chỉ là một lớp mô nhầy bao quanh cửa âm đạo. Nó không bịt kín mít, mà có một hoặc nhiều lỗ hở, để máu kinh có thể chui ra.

Có rất nhiều lầm tưởng xung quanh Màng Trinh, và She Talks đã có một bài blog đi kèm 3 video giải thích đầy đủ và hoá giải các hiểu lầm này. Mọi người xem thêm tại đây nhé:

Quan niệm về sự Trinh Tiết

Việc sử dụng tampon, cốc nguyệt san, hay việc quan hệ trước hôn nhân là một điều khiến nhiều người lo lắng, lý do sâu xa nằm ở quan niệm của người Việt Nam mình về sự Trinh Tiết.

Chúng ta sợ rằng con gái mất trinh là mất tất, chẳng còn giá trị gì. Giống như một chiếc kẹo cao su, nhai một lần là phải bỏ đi, không ai tái sử dụng nó cả.

Đây là quan niệm khi chúng ta coi con gái là một kiểu đồ vật. Đã gọi là đồ vật thì sẽ luôn thuộc quyền sở hữu của ai đó, và mọi giá trị sử dụng sẽ phụ thuộc vào người khác: khi đẻ ra chúng ta thuộc quyền sở hữu của bố mẹ, đến khi kết hôn thì nhà trai sẽ phải trả một khoản của hồi môn để có thể rước dâu về, từ đó chúng ta thuộc quyền sở hữu của chồng, và từ đó, “nghĩa vụ cao đẹp” của người phụ nữ là “hậu phương vững chắc”, là sinh con đẻ cái, chăm sóc gia đình.

Sự thật thì con trai hay con gái cũng đều là con người và bình đẳng như nhau. Chúng ta là con của bố mẹ, nhưng chúng ta kết hôn dựa vào tình yêu, chứ không phải dựa vào số tiền của hồi môn hay do cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.

Chúng ta dù là nam hay nữ, chồng hay vợ, thì đều là hậu phương vững chắc cho nhau trên mọi nẻo đường. Và nếu chẳng may trên những nẻo đường đó, chúng ta nhận ra mình không phù hợp nữa, thì giá trị của mỗi người vẫn còn nguyên vẹn, chúng ta có quyền gặp những người phù hợp hơn, chứ không phải “chấp nhận một người đã qua sử dụng”.

Trinh Tiết là quan niệm của những ngày xưa cũ. Nó sẽ còn có thể len lỏi trong tâm trí chúng ta tới tận ngày hôm nay và có thể nhiều thế hệ sau này nữa, bởi chúng ta lớn lên dưới những ảnh hưởng vô hình của văn hoá, xã hội từ bao đời.

Nhưng lựa chọn cuối cùng là ở mỗi người. Bạn có cho phép người khác coi mình là một món đồ và được phép tuỳ tiện đánh giá giá trị của bạn hay không? Tất cả phụ thuộc vào chính bạn.

Mình tự nhận bản thân là một người con gái hiện đại, nhưng đã có rất nhiều lần mình loay hoay với chính những thứ định kiến đã hằn sâu trong suy nghĩ như một sự hiển nhiên. Dưới đây là cách mà mình đã vượt qua những suy nghĩ luẩn quẩn đó:

Tôi đã hiểu về màng trinh, và không bao giờ để người khác đánh giá mình qua sự trinh tiết, vậy tôi phải dùng cốc nguyệt san như thế nào?

Nếu bạn đã sẵn sàng để sử dụng cốc nguyệt san. Sau đây là điều bạn cần biết:

1. Lần đầu thường sẽ khá… thốn, và mất thời gian.

Oke là màng trinh có lỗ, nhưng nếu bạn chưa từng quan hệ, hay chưa từng đưa vật gì vào bên trong cô bé (ví dụ: ngón tay, sex toy…) thì bạn sẽ cần nhiều nỗ lực và thời gian hơn để có thể tìm cách đưa cốc nguyệt san vào bên trong cơ thể.

Lý do là bởi cơ thể chúng mình sẽ phản ứng co cứng lại khi đang yên đang lành bỗng dưng có vật gì đó chọt vô bên trong. Các lớp mô nhầy ở cửa âm đạo không quen với điều này, nên sẽ không thể co giãn một cách thoải mái, điều này khiến cho việc đưa một vật có kích thước to to như cốc nguyệt san vô sẽ là một thử thách.

Bạn có lẽ sẽ nên thử đưa ngón tay vào bên trong cô bé trước, hoặc thử dùng tampon. Vì 2 vật này có kích thước nhỏ và thuôn dài, nên sẽ dễ dàng để giúp các lớp cơ ở vành âm đạo làm quen.

Bạn có thể sẽ chảy chút máu nếu vành âm đạo (màng trinh) của bạn khá nhỏ, hoặc có nhiều lỗ. Bạn cũng có thể không làm sao cả, không chảy máu, cũng không đau đớn gì, bởi cơ thể của bạn thích ứng với sự thay đổi và dễ dàng co giãn. Tất cả đều hoàn toàn bình thường.

2. Bạn có thể sẽ cần nhiều chu kỳ kinh nguyệt để có thể đưa cốc nguyệt san vào thành công

Mình đã từng thắc mắc là tại sao lại phải đợi tới khi có kinh mới tập đút CNS vào được. Tập đút ra đút vô thì cứ làm tới khi nào được thì thôi, có kinh hay không liên quan gì.

Thực tế thì sẽ tuỳ cơ thể mỗi người. Nhưng khi có kinh, âm đạo sẽ có nhiều dịch nhầy và máu kinh bên trong, giúp việc đưa cốc nguyệt san vào sẽ trơn tru hơn là khi có một âm đạo không quá ẩm ướt.

3. Lần đầu sẽ luôn cần luyện tập, bất cứ ai cũng vậy, dù đã quan hệ hay chưa

Các bạn trẻ khi nghĩ tới việc sử dụng cốc nguyệt san thì thường nghĩ là sản phẩm này chỉ dành cho những người “từng trải”. Nhưng sự thật thì không phải vậy.

Dù đã quan hệ rất nhiều lần, thì lần đầu tiên đưa cốc nguyệt san vào bên trong cô bé sẽ luôn cần thời gian để làm quen.

Lý do là bởi chúng ta cần học cách gập cốc, học cách cảm nhận xem cốc đã nằm ở đúng vị trí chưa, học cách lắng nghe cơ thể một cách chủ động. Điều này hoàn toàn khác so với việc have sex.

Điều quan trọng nhất: việc sử dụng cốc nguyệt san hay tampon không liên quan gì tới việc “từng trải” hay không, cũng không liên quan gì tới sự “mất trinh” hay không. Nó phụ thuộc vào việc bạn muốn sử dụng sản phẩm gì cho chu kỳ kinh nguyệt của mình. Chấm hết.

Dưới đây là video 1 phút tổng hợp lại một cách ngắn gọn bài blog này.

Hy vọng bài viết này trả lời được cho câu hỏi của bạn đọc giấu tên, và cho nhiều bạn đọc khác với những băn khoăn tương tự ^^!

Yêu thương,

Hà Phạm.


Cảm ơn bạn đã đọc các nội dung trên She Talks. Để hiểu hơn về She Talks và người viết (là mình – Hà Phạm), mời bạn đọc bài viết này. Để tìm kiếm các nội dung khác trên She Talks, bạn có thể xem Hướng dẫn sử dụng She Talks tại đây.

Bạn có thể yêu thích nội dung này và muốn chia sẻ nó trên các kênh khác. Vui lòng đọc kỹ Hướng dẫn sử dụng về Trích dẫn nguồn và Bản quyền trước khi chia sẻ các nội dung trên She Talks.

Dưới đây là Series video “1 phút học SexEd cùng She Talks” trên Facebook:

Leave a Reply