Có cần tạm dừng thuốc tránh thai sau một thời gian sử dụng không?
Trên mạng có rất nhiều “lời khuyên” như thế này:
- Uống thuốc tránh thai 3 tháng rồi nhớ xả thuốc 1 tháng
- Dùng thuốc tránh thai quá lâu gây tích tụ hormones, nên dùng được mấy tháng thì nhớ tạm dùng để xả thuốc, detox cơ thể
- Thuốc tránh thai kìm hãm sự rụng trứng nên dùng lâu dễ gây vô sinh, ung thư… Nên bạn cần nghỉ xả một thời gian để cơ thể “thanh tẩy” các hormone dư thừa.
- vân vân và mây mây…
Bài blog hôm nay, đi kèm với video 1 phút dưới đây, sẽ giải thích lý do vì sao chúng ta không nên nghe theo những “logic” không thực sự dựa trên căn cứ khoa học nào.
Bản chất của các sản phẩm tránh thai chứa hormones là gì?
Trước hết, bạn hãy nhớ lại các kiến thức về hormones, chúng thực tế là gì, và hoạt động trong cơ thể chúng ta như thế nào, qua 2 bài blog đi kèm video 1 phút dưới đây nha:
Cơ thể chúng mình rất thông minh. Bản chất của thuốc tránh thai là đưa 1 lượng hormones (tương tự với các hormones estrogen và progestine đã có sẵn trong cơ thể), kích hoạt các tín hiệu tới não bộ, từ đó kích hoạt tới các bộ phận liên quan, nhằm tạo ra các phản ứng giúp ngăn ngừa việc có thai. Cụ thể là:
- Làm đặc lớp dịch nhầy cổ tử cung: giúp hạn chế khả năng di chuyển của tinh trùng
- Làm mỏng lớp niêm mạc tử cung (a.k.a kinh nguyệt): để giảm khả năng trứng thụ tinh có thể làm tổ
- Ức chế việc rụng trứng. Trứng không rụng thì tất nhiên là ko có em bé rùi ^^!
Vậy những điều này còn có ý nghĩa gì nữa?
- Việc làm đặc lớp dịch nhầy cổ tử cung hạn chế khả năng di chuyển của tinh trùng cũng tương đương với việc làm giảm sự di chuyển của các loại vi khuẩn gây bệnh như là bệnh lậu hoặc chlamydia… khiến chúng khó có thể tìm đường đến tử cung tạo nên sự lây nhiễm. Các loại bệnh lây nhiễm này có khả năng dẫn đến vô sinh. Nên có thể nhìn nhận việc hạn chế khả năng di chuyển của các loài vi khuẩn này là một cách hạn chế việc bị vô sinh do viêm nhiễm.
- Về việc làm mỏng lớp niêm mạc tử cung: điều này là một phần lý do khiến cho kinh nguyệt thường trở nên ít hơn, và đôi khi là hết hẳn. Đây là tác dụng phụ rất phổ biến và hoàn toàn bình thường khi sử dụng các sản phẩm tránh thai chứa hormone. Để hiểu hơn về lớp niêm mạc từ cung – aka kinh nguyệt, bạn hãy xem video giải thích dưới đây nhé:
- Việc ức chế rụng trứng: thực chất thì việc buồng trứng liên tục phải sản xuất trứng mỗi tháng là cơ chế khiến ung thư buồng trứng có khả năng xuất hiện. Vậy nên việc giảm bớt sự rụng trứng thực tế lại làm giảm các rủi ro phát triển ung thư buồng trứng.
Nhân tiện nói tới ung thư:
Trong nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các bằng chứng rằng việc sử dụng thuốc tránh thai làm giảm 50% nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, giảm 27% nguy cơ ung thư buồng trứng. Càng dùng lâu thì tỉ lệ này càng giảm.
Tối thiểu bao lâu để cơ thể quen với sự thay đổi hormones?
Thời gian cơ thể bắt đầu thích nghi với việc thay đổi hormones khi sử dụng thuốc tránh thai là từ 3-6 tháng. Tức là phải sau ít nhất nửa năm, cơ thể bạn mới bắt đầu quen và quay về trạng thái cân bằng, bớt đi các tác dụng phụ lên xuống trồi sụt.
Hãy tưởng tượng mà xem, nếu mới dùng thuốc được 3 tháng mà đã dừng, nghỉ ngơi 1 tháng để xả thuốc như các lời khuyên trên mạng, rồi quay lại dùng tiếp… thì rõ ràng là cơ thể bạn vừa mới chớm quen với việc thay đổi hormones, chưa kịp cân bằng, thì đã lại bị xáo trộn lung tung, rồi lại phải làm quen lại với thuốc từ đầu. Vòng luẩn quẩn vậy cứ tiếp diễn, và bạn cứ mãi triền miên “đánh vật” với các tác dụng phụ bởi cơ thể bạn luôn trong trạng thái chưa kịp cân bằng, và thế là bạn lại quay ra đổ lỗi rằng: “thuốc tránh thai thực sự có hại cho cơ thể”.
Một nghiên cứu năm 2020 đã chỉ ra rằng: phụ nữ được trang bị kiến thức đúng về thuốc tránh thai có xu hướng sử dụng thuốc đúng hướng dẫn, không dùng lung tung, và duy trì việc sử dụng thuốc, từ đó dẫn tới làm tăng hiệu quả sử dụng các sản phẩm thuốc tránh thai.
Dùng thuốc lâu thì có bị tích tụ hormones trong cơ thể không? Có cần phải “detox”, “làm sạch” cơ thể không?
Hormones trong các sản phẩm tránh thai có chứa một lượng vừa đủ, đã được nghiên cứu và cấp phép bao nhiêu năm nay, đưa vào trong cơ thể để thực hiện các “phản ứng hoá học” cần thiết, và sau đó sẽ tự tiêu đi.
Cũng giống như tinh trùng vậy. Hàng triệu tinh trùng được sinh ra mỗi ngày, nếu không được xuất tinh ra ngoài thì bạn nghĩ chúng đi đâu? Nếu chúng cứ ở mãi trong cơ thể thì chắc sẽ chất thành đỉnh núi luôn quá :))
Vậy nên không có chuyện hormones tích tụ khiến cơ thể bạn “nhiễm độc” gì cả. Bạn không cần phải detox chúng. Thứ bạn cần detox là những “logic” vô căn cứ và nhưng thứ vô bổ đâu đâu trên mạng xã hội kìa.
Dừng thuốc xong có khả năng thụ thai trở lại ko?
Trong một nghiên cứu tổng hợp dữ liệu từ 22 bài nghiên cứu trải dài từ năm 1985 đến năm 2017, dựa trên tổng số 14.884 phụ nữ sử dụng các sản phẩm tránh thai chứa hormones, kết quả cho thấy 83.1% các phụ nữ đã có bầu trong vòng 1 năm ngưng sử dụng thuốc.
Hy vọng con số này đã đủ để chứng minh cho hiệu quả của thuốc tránh thai và các biện pháp chứa hormones, giúp bạn an tâm hơn khi sử dụng rồi chứ? 🙂
Kết luận:
Nói tóm lại thì: không có bằng chứng khoa học nào ủng hộ việc phải “xả thuốc” tránh thai cả. Đã rất nhiều chục năm trôi qua, khoa học cũng vì vậy mà phát triển theo, việc sử dụng các sản phẩm tránh thai chứa hormones trong thời gian dài cho tới nay vẫn được coi là một việc an toàn. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng chúng bao lâu cũng được, thậm chí 10 năm, 20 năm liên tục, và chúng không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của bạn. Bạn có thể sẽ gặp khó khăn sinh đẻ khi nhiều tuổi, khoảng cỡ sau 35 tuổi trở đi. Nhưng đó là một câu chuyện khác 🙂
Chúc bạn có một tâm lý bình an hơn sau khi đọc bài blog này và tiếp tục lựa chọn sử dụng các sản phẩm tránh thai phù hợp với bản thân mình nhé ^^!
Yêu thương,
Hà Phạm.
Cảm ơn bạn đã đọc các nội dung trên She Talks. Để hiểu hơn về She Talks và người viết (là mình – Hà Phạm), mời bạn đọc bài viết này. Để tìm kiếm các nội dung khác trên She Talks, bạn có thể xem Hướng dẫn sử dụng She Talks tại đây.
Bạn có thể yêu thích nội dung này và muốn chia sẻ nó trên các kênh khác. Vui lòng đọc kỹ Hướng dẫn sử dụng về Trích dẫn nguồn và Bản quyền trước khi chia sẻ các nội dung trên She Talks.
Dưới đây là Series video “1 phút học SexEd cùng She Talks” trên Facebook:
Nguồn thông tin sử dụng trong bài viết:
- Tadele Girum và Abebaw Wasie – Bài về: Return of fertility after discontinuation of contraception: a systematic review and meta-analysis
- Caitlin Liddelow, Barbara Mullan, Mark Boyes – Bài về: Ahderence to the oral contraceptive pill: the roles of health literacy and knowledge.
- Danielle B. Cooper, Preeti Patel, Heba Mahdy – Bài về: Oral Contraceptive Pills
- D T Baird, A F Glasier – Bài về: Hormonal contrcaception
- Kristen Page Wright, Julia V Johnson – Bài về: Evaluation of extended and continuous use oral contraceptives
- Alexandra Farrow, M.G.R. Hull, K. Northstone, H. Taylor, W.C.L. Ford, Jean Golding – Bài về: Prolonged use of oral contraception before a planned pregnancy is associated with a decreased risk of delayed conception
- Judith Helen Ford, Lesley MacCormac – Bài về: Pregnancy and lifestyle study: the long-term use of the contraceptive pill and the risk of age-related miscarriage
- Dịch vụ y tế quốc gia Anh NHS – Bài về: Continuous pill taking
- Jennifer Lincoln – Sách: Let’s talk about down there
- Ellen Stokken Dahl, Nina Brochmann – Sách: The wonder down under
2 Comments
Add Yours →Dùng thuốc tránh thai khẩn cấp 2 tháng 1 lần thì có sao ko
ttkc được dùng trong trường hợp khẩn cấp. Nên nếu chẳng may 1 tháng gặp phải 2 lần rách bao chẳng hạn thì hoàn toàn có thể sử dụng được ttkc để bảo vệ bản thân khỏi mang tha! ngoài í muốn. Ko có quy định số lần tối thiểu/tối đa đc phép ttkc. Tuy nhiên thì ttkc ko thể thay thế cho các biện pháp khác được, nên nếu để bản thân liên tục rơi vào tình huống khẩn cấp thì tốt nhất là mình nên nhìn nhận xem tại sao lại như vậy, để tìm hiểu và sử dụng các biện pháp tt khác hiệu quả hơn nha ☺️