Cung đường quen của các anh shipper Hóc-môn

Hãy tưởng tượng thế này: bạn là một tín đồ mua hàng online, chuyên săn sale Shopee, nhiều tới nỗi bạn nhớ luôn đặc điểm nhận dạng của anh shipper: có một chiếc nốt ruồi giữa trán, chuyên đội chiếc mubahi cắm 2 chiếc tai lò xo hình tròn màu vàng chuối, chỉ cần anh lắc đầu vài cái, là 2 củ lò xo đó lúc la lúc lắc không ngừng.

Thông thường, mỗi anh shipper sẽ có những cung đường quen thuộc nơi mà các anh khoanh vùng hoạt động mỗi ngày. Đây là lý do mà nếu để ý, bạn sẽ thấy mình sẽ dễ dàng gặp cùng một anh shipper nhiều lần liền. Điều này giúp tối đa hiệu quả làm việc cho các anh shipper: liên tục hoạt động trong một khu vực sẽ giúp giảm thời gian lạc đường, hiểu biết hơn về các lối đi tắt trong ngang cùng ngõ hẻm, từ đó giúp việc ship hàng nhanh chóng, thuận tiện, dễ quản lý hơn.

Các anh shipper Hóc-môn trong cơ thể chúng ta cũng hoạt động theo các “cung đường quen” như vậy.

Liên quan tới sức khỏe sinh sản của con gái chúng mình, sẽ có 3 “cung đường quen” mà các anh shipper Hóc-môn hay qua lại, hay còn gọi là 3 hệ trục nội tiết tố:

  • Trục “Não (Vùng dưới đồi) – Tuyến yên – Buồng trứng”
  • Trục “Não (Vùng dưới đồi) – Tuyến yên – Tuyến thượng thận”
  • Trục “Não (Vùng dưới đồi) – Tuyến yên – Tuyến giáp

Dưới đây là video hoạt hình tóm tắt lại nội dung của bài viết này trong 1 phút:

Nếu chưa rõ khái niệm “anh shipper Hóc-môn” là gì, bạn hãy đọc bài viết đầu tiên trong series “Vũ điệu của các Hóc-môn” như link tại hình ảnh dưới đây nhé:

Vậy các anh shipper Hóc-môn di chuyển trong các “cung đường quen” này như thế nào?

Khi nhìn vào danh sách 3 hệ trục ở trên, bạn có nhận thấy chúng đều có điểm chung không thay đổi, đó là: Não và Tuyến yên?

Đúng vậy, Não (cụ thể là Vùng dưới đồi) và Tuyến Yên chính là nơi bắt đầu trong hành trình của các anh shipper Hóc-môn.

Khi Vùng dưới đồi ở Não nhận biết được một tín hiệu, nó sẽ tính toán xem tín hiệu này thể hiện vấn đề gì, để giải quyết vấn đề này thì cần làm gì. Sau đó, nó sẽ tiết ra một Hóc-môn phù hợp để truyền xuống Tuyến yên.

Tuyến yên giống như một trung tâm trung chuyển: nhận lệnh từ Não bộ mà anh shipper Hóc-môn vừa truyền tới ⇒ phân tích xem bộ phận nào sẽ là nơi trực tiếp giải quyết vấn đề ⇒ sau đó tiết ra một Hóc-môn phù hợp, liên quan tới Hóc-môn mà Não vừa tiết ra, đến bộ phận tiếp nhận cuối cùng. Các bộ phận tiếp nhận cuối cùng này là Buồng trứng, Tuyến thượng thận, Tuyến giáp. Khi nhận được chỉ thị của Tuyến yên, chúng sẽ tiết ra các Hóc-môn liên quan, để giải quyết vấn đề mà Não nhận được ban đầu.

Các “cung đường quen” này sẽ giải quyết những vấn đề gì? Và chúng liên quan tới sức khỏe sinh sản của bạn như thế nào?

 

Sau đây là khái quát các vấn đề chính mà các mỗi hệ trục nội tiết tố giải quyết:

“Cung đường quen” số 1: Trục Não (vùng dưới đồi) – Tuyến yên – Buồng trứng:

Đây là “cung đường” trực tiếp ảnh hưởng tới các vấn đề sinh sản của con gái chúng mình, bởi nó điều khiển những thay đổi của buồng trứng và tử cung: khiến cho trứng chín và rụng xuống, chuẩn bị cho sự thụ tinh, chuẩn bị môi trường cho trứng được thụ tinh làm tổ và nuôi dưỡng thành em bé, hay sự xuất hiện của kinh nguyệt…

“Cung đường quen” số 2: Trục Não (vùng dưới đồi) – Tuyến yên – Tuyến thượng thận:

“Cung đường” này liên quan đến các phản ứng của cơ thể khi bạn gặp căng thẳng. Nếu một điều gì đó xảy ra khiến bạn cảm thấy stress, hệ trục này sẽ được kích hoạt. Các hóc-môn cần thiết sẽ được tiết ra, giúp cơ thể đối phó lại với các tác nhân gây căng thẳng kéo dài hơn vài phút. Ví dụ, chúng khiến huyết áp của bạn tăng cao, tim đập nhanh hơn.

Nếu các tác nhân gây ra căng thẳng cho bạn liên quan đến một loại hình gắng sức về thể chất (như chạy bộ với cường độ cao chẳng hạn), thì các hóc-môn trong “cung đường” số 2 này sẽ giúp cung cấp nhiều máu hơn tới các cơ xương của bạn, hoặc làm tăng mức lưu thông của glucose trong máu, giúp cơ thể có thêm năng lượng để đối phó với các tác nhân gây stress này.

Vậy stress thì liên quan gì tới sinh sản?

Khi các anh shipper Hóc-môn ở “cung đường” này phải hoạt động liên tục, nó cho thấy bạn đang gặp căng thẳng kéo dài. Khi cơ thể bận tập trung nguồn lực để đối phó với stress, nó sẽ ức chế các quá trình được coi là ít quan trọng hơn vào thời điểm đó. Ví dụ, các hoạt động liên quan tới sex sẽ bị giảm sút.

Từ quan điểm của cơ thể, hoạt động nào không giúp ích gì cho bạn trong việc đối phó với căng thẳng, thì nên được bỏ qua cho đến khi chuỗi ngày stress cao độ này kết thúc. Tình dục, trong hoàn cảnh này, nên được coi là một hoạt động giải trí phù phiếm, và không phải là điều bạn nên bận tâm.

Ngoài ra, “Cung đường số 2” này cũng có thể ức chế quy trình sinh sản của bạn, ngăn bạn rụng trứng và “rụng dâu”, nếu nó cho rằng đây là thời điểm không thích hợp để thụ thai.

“Cung đường quen” số 3: Trục Não (vùng dưới đồi) – Tuyến yên – Tuyến giáp:

Các Hóc-môn trong trục này có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, phát triển cơ xương, hoạt động của hệ thần kinh, hay điều hòa lưu lượng canxi. Nó sẽ “song kiếm hợp bích” với các hệ trục khác, tạo nên hiệu quả của các quá trình trao đổi và phát triển của cơ thể. Mức độ hiệu quả này bị ảnh hưởng rất nhiều bởi “tình trạng sức khỏe” của các anh shipper Hóc-môn trong hệ trục số 3 này.

Ví dụ, nếu các anh shipper Hóc-môn trong “Cung đường quen” của Tuyến giáp này hoạt động kém, thì kết quả là nhịp tim sẽ chậm lại, lượng máu và oxy đi vào cơ thể sẽ thấp hơn; hoạt động trao đổi chất ở ruột cũng sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng táo bón.

Còn đối với hoạt động sinh sản thì sao?

“Cung đường quen số 1” và “Cung đường quen số 3” này hoạt động đan xen, hỗ trợ nhau. Khi chức năng tuyến giáp hoạt động kém, hoặc hoạt động quá khỏe, thì tình trạng rối loạn kinh nguyệt sẽ xảy ra, làm ảnh hưởng tới hoạt động sinh sản của con gái chúng mình.

Bài viết lần này trong series “Vũ điệu của các Hóc-môn” khép lại tại đây. Vậy là chúng mình đã có cái nhìn khá tổng quan về các “cung đường” chính (liên quan tới chức năng sinh sản của nữ giới) mà các anh shipper Hóc-môn hay lái xe qua lại.

Trong các bài viết tiếp theo, mình sẽ nói kỹ hơn về các loại hóc-môn chính, tên và vai trò của từng loại trong cơ thể chúng mình. Mọi người nhớ đón đọc nhé ^^!

Yêu thương.

Hà Phạm.


Nội dung bài viết thuộc bản quyền của She Talks. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ khi chia sẻ nội dung của She Talks trên bất cứ nền tảng nào.

Nguồn thông tin tham khảo thêm trong bài viết:

  1. Sách The Period Power
  2. Chrousos GP. Stress and disorders of the stress system. Nat Rev Endocrinol. 2009 Jul;5(7):374-81. doi: 10.1038/nrendo.2009.106. Epub 2009 Jun 2. PMID: 19488073.
  3. Overview of the Endocrine System – Dr. Matt & Dr.Mike 
  4. Your brain, explained – Marc Dingman PHD
  5. Vinmec
  6. Viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội

Leave a Reply