Khám phụ khoa bao gồm những gì?

Bài blog hôm nay được Bác sĩ – Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trả lời riêng cho các bạn đọc She Talks đâyyy~~

Mình giật tít thế thôi :)) chứ câu chuyện là sau chiếc video 1 phút “Dùng mỏ vịt khi khám phụ khoa có làm cô bé rộng ra?” lần trước, mình có nhận được một vài câu hỏi liên quan tới việc đi khám phụ khoa của các bạn…

… mà mình thì chưa đi khám ở VN bao giờ, nên mình có nhờ các bạn ở Hành Trình Yêu kết nối và hỏi Bác sĩ Tạ Việt Cường giúp. Bs Cường cũng là 1 trong các guru của Tổ chức dân số quốc tế PSI Việt Nam, giống như She Talks vậy ^^!

Anh Cường chắc chắn là người có thể trả lời chính xác nhất các câu hỏi của mọi người rùi ^^!

Bài blog hôm nay sẽ giải đáp các câu hỏi:

  • Ai thì có thể đi khám phụ khoa (học sinh cấp 2 cấp 3 có đi được ko? Hay hơn 24 tuổi nhưng chưa đi khám bao giờ thì có sao ko?)
  • Quy trình khám bao gồm những gì?
  • Việc sử dụng mỏ vịt cho người chưa từng quan hệ thì sao?
  • Bác sĩ nam khám thì sao? Có ngại khum?
  • Chi phí trung bình khoảng bao nhiêu?
  • Tại sao lại cần đi khám?

Đi kèm bài viết này là một video 1 phút giải thích ngắn gọn hơn. Mình để dưới cuối bài viết này, các bạn vào xem nha ^^!

Ai thì có thể đi khám phụ khoa? Học sinh cấp 2 cấp 3 thì có đi khám phụ khoa được khum?

Ở Việt Nam, việc khám phụ khoa thường được chia thành 2 đối tượng: đã từng quan hệchưa từng quan hệ.

Có lẽ một phần vì khái niệm màng trinh và trinh tiết vẫn còn chưa thực sự cởi mở với số đông, nên các bác sĩ phân loại như vậy để mọi người có các lựa chọn phù hợp với mong muốn của mình, cũng như giảm thiểu những cảm giác bất tiện cho bạn nữ khi lần đầu để một vật gì đó tiến vào bên trong cơ thể.

Các bạn đọc của She Talks chắc cũng đã quen với những kiến thức về màng trinh và sự trinh tiết rùi, nhưng mình sẽ vẫn để lại link các nội dung liên quan ở dưới đây, cho các bạn đọc mới, và cũng là để chúng mình ghi nhớ rằng màng trinh thậm chí còn chẳng phải là một tấm màng, và trinh tiết là những quan niệm đã cũ khi coi con gái là một kiểu đồ vật ^^!

Về cơ bản, các bạn học sinh cấp 2 cấp 3 hoàn toàn có thể đi khám phụ khoa để bảo vệ sức khoẻ của mình. Quy trình có thể sẽ khác một chút so với các trường hợp đã từng quan hệ tình dục. Cụ thể hơn thì như sau nè:

Quy trình khám phụ khoa cho mỗi đối tượng trên là gì?

Với những bạn đã từng quan hệ tình dục thì việc khám phụ khoa, kiểm tra tình trạng sức khỏe sinh sản cần có:

  • Hỏi tình trạng bệnh lý hiện có
  • Tình trạng kinh nguyệt
  • Tiền sử
  • Đặt mỏ vịt kiểm tra tình trạng âm đạo, cổ tử cung, các túi cùng (Douglas – khu vực nằm giữa tử cung và trực tràng) xem có gì bất thường không.
  • Khám bằng tay để kiểm tra tư thế tử cung, tình trạng tử cung, hai phần phụ có khối bất thường không (tất cả những điều trên gọi chung là khám phụ khoa.)
  • Sau đó thì siêu âm đầu dò âm đạo, hoặc siêu âm đường bụng có nhịn tiểu để kiểm tra có bất thường ở tử cung và phần phụ hay không.

Với những bạn chưa quan hệ tình dục (ở đây bao gồm cả học sinh nha)

Thường thì các bác sĩ sẽ không đặt mỏ vịt. Có thể khám qua hậu môn nếu nghi ngờ có khối u tử cung, phần phụ. Ngoài ra khi siêu âm thì sẽ siêu âm đường bụng và phải nhịn tiểu căng.

Có một số trường hợp mặc dù chưa quan hệ, nhưng có khối polyp to ở cổ tử cung gây rong kinh thì bác sĩ có thể bắt buộc phải đặt mỏ vịt kiểm tra (việc này có thể khiến các lớp mô nhầy ở cửa âm đạo – hay còn gọi là màng trinh – bị trầy xước hay rách một chút) nhưng đây là trường hợp bắt buộc, và bác sĩ sẽ phải thảo luận kỹ càng với bệnh nhân kèm người nhà đi kèm về việc này và phải có sự đồng thuận.

Đi khám phụ khoa mà gặp bác sĩ nam thì sao? Ngại chết huhu

Nếu khám bác sĩ là nam giới thì bắt buộc là phải có một nữ y tá kèm theo trong phòng khám. Nên bạn đừng lo lắng hay ngại ngùng xấu hổ nhé ^^!

Nếu bạn không thấy có nữ y tá phụ khám và cảm thấy không thoải mái nếu chỉ có bác sĩ nam thăm khám, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu có sự hiện diện của bác sĩ hoặc y tá nữ. Đây là quyền lợi của bạn nên đừng ngần ngại đưa ra yêu cầu này nha.

Để mình kể cho mọi người nghe 1 câu chuyện vui vui:

Hồi xưa mình có một cậu bạn cùng nhà người Bangladesh làm bác sĩ phẫu thuật não. Gọi là “cậu bạn” cho lịch sự thôi chứ ngoài đời mình hay gọi nó là “thằng” :)) vì 2 đứa cứ nhìn thấy nhau ở đâu là cà khịa nhau ngay :)) 

Cả nhà có mỗi một thằng bạn làm bác sĩ, mặc dù nó phẫu thuật não, nhưng mình có đau mắt hay đau bụng gì cũng sẽ chạy xuống gõ cửa phòng nó để hỏi =)) Và lần nào sau khi ngó nghía bệnh tình của mình xong thì nó cũng sẽ đế thêm 1 câu “để tao mổ mắt / mổ bụng / mổ não mày ra coi xem có vấn đề gì ko nhớ” =))

Một ngày đẹp trời, mình mới hỏi nó là “mày ơi thế mà đi khám các thứ các thứ cứ bị ngại ngại í thì làm sao?”

 

Nó bảo mình là: “Mày nghĩ tụi tao báu lắm chắc. Tao nhìn cái thây nào cũng như nhau thôi, nhìn cơ thể người là liên tưởng ra sách giải phẫu, chả có cảm giác gì mà phải ngại cả” :)) Mình nghe thấy cũng thật là chí lí =))

Nên là mọi người đừng ngại nhé~ Hãy mạnh dạn đi khám sức khỏe định kỳ nha!

Khoảng chi phí cho 1 lần đi khám phụ khoa là bao nhiêu?

Chi phí một lần đi khám phụ khoa đơn thuần gồm có khám và siêu âm khoảng 500-700k tùy vào cơ sở khám, và tuỳ xem bạn có cần phải làm thêm các xét nghiệm khác nữa không, nếu có bất thường thì có thể chi phí sẽ cao hơn.

Mỗi năm một lần đi khám cơ bản khoảng 500-700k mình nghĩ là một con số không quá lớn, các bạn học sinh tiết kiệm tầm 50k mỗi tháng (chỉ như 1 cốc trà sữa thôi), là có thể đi kiểm tra sức khoẻ sinh sản định kỳ cho mình được rùi ^^!

Tại sao lại cần đi khám phụ khoa?

“Cô bé” của chúng mình là một bộ phận vừa nhạy cảm, mà lại vô cùng quan trọng. Việc kiểm tra sức khoẻ cô bé định kỳ có thể giúp chúng mình luôn ở thế chủ động trong việc bảo vệ sức khoẻ, nhất là sức khoẻ sinh sản.

Bạn sẽ không thể biết được nếu nhỡ đâu một ngày mình bị ung thư cổ tử cung mà không hề hay biết và chữa trị kịp thời thì sao?

Nếu đi khám, thì hãy đảm bảo rằng mình chỉ đi khám ở các bệnh viện lớn thôi nha! Đi khám ở các bệnh viện lớn chuyên về phụ khoa thì càng tốt ^^!

Nên đi khám ở đâu cho yên tâm?

Hãy đến các bệnh viện công lớn, các bệnh viện chuyên về các vấn đề phụ khoa để khám nha, ví dụ như bệnh viện phụ sản chẳng hạn. Ở đây có các bác sĩ tuyến đầu, chuyên môn, dịch vụ đảm bảo với giá khám trung bình cho tất cả mọi người.

Và nhớ là không có gì phải ngại cả nha! Các bác sĩ mỗi ngày khám cho rất nhiều người, với hàng trăm “cô bé” trong suốt sự nghiệp của mình, nên trong con mắt của các bác sĩ, cơ thể chúng ta chỉ như một hình học giải phẫu trong sách sinh học thôi mọi người ơi :))

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về anh Cường ở link này  nha.

Dưới đây là link video 1 phút cho bài blog hôm nay:

Hy vọng những thông tin trong bài Blog ngày hôm nay có ích cho bạn ^^!

Yêu thương,

Hà Phạm.


Cảm ơn bạn đã đọc các nội dung trên She Talks. Để hiểu hơn về She Talks và người viết (là mình – Hà Phạm), mời bạn đọc bài viết này. Để tìm kiếm các nội dung khác trên She Talks, bạn có thể xem Hướng dẫn sử dụng She Talks tại đây.

Bạn có thể yêu thích nội dung này và muốn chia sẻ nó trên các kênh khác. Vui lòng đọc kỹ Hướng dẫn sử dụng về Trích dẫn nguồn và Bản quyền trước khi chia sẻ các nội dung trên She Talks.

Dưới đây là Series video “1 phút học SexEd cùng She Talks” trên Facebook:

Leave a Reply