Tư duy phản biện, và việc dùng Pỏn để dạy về Sex Ed

Phải thú thật một điều, tư duy phản biện là điều mình mới thực sự thực hành được từ năm 2016, tức là khi đã 25 tuổi, khi mình có những quyết tâm rõ ràng hơn trong việc viết bài luận xin học bổng, và được mài rũa nhiều hơn trong quá trình học thạc sĩ ở Anh.

Sau này, câu hỏi mình nhận được nhiều nhất khi các bạn hỏi về học bổng Chevening“điều gì khiến mình thấy thích nhất, khó nhất, và đáng nhất khi đi học ở Anh với học bổng này?”, câu trả lời của mình luôn là: Tư duy phản biện. Đây là điều nhiều bạn đồng môn với mình cũng gật gù đồng ý, mỗi khi tụi mình có những buổi chia sẻ chung về Chevening.

Bài học đầu tiên, và là một phần quan trọng không thể thiếu trong khóa học thạc sĩ, đó là Literature Review (đánh giá các nguồn tài liệu). Mình đã từng rất ghét bài học này, vì để viết được 1 bài essay 500-1000 từ, tức là chỉ như một bài post facebook, mình phải đọc tới 10 nguồn tài liệu khác nhau, thậm chí nhiều hơn, và mỗi nguồn tài liệu này đều vừa dài, vừa viết bằng thứ ngôn từ bác học uyên thâm hoa mỹ, đọc muốn lòi con mắt.

Tụi bạn bản xứ của mình còn phải đi google “how to write an essay” (làm thế nào để viết một bài luận), chứ đừng nói tới một đứa ngôn ngữ và khả năng đọc hiểu tiếng Anh bập bẹ như mình.

Lý do mình ghét nó, là bởi “tại sao tôi đến đây để được học một thứ gì đó có tính thực tiễn, mà lại phải ngồi nhồi nhét những thứ hàn lâm thế này?” 😂 .

Dưới đây là một đoạn chat vui vui của tụi lớp mình, sau khi kể khổ với nhau về việc chúng ta đi học cái quần què gì thế này 😂 :

Sau này, mình mới nhận ra, đây là môn học giúp định hình và mài rũa tư duy phản biện tốt nhất.

Để nói ra một điều nào đó, phải có bằng chứng đi kèm. Bằng chứng này là gì? Ở đâu? Là do ai nói? Người đó là ai? Có đáng tin không? Tại sao họ lại đưa ra được bằng chứng đó? Họ đã làm gì? Thu thập dữ liệu thế nào? Cách họ thu thập số liệu đó có ổn không? Có mang tính đại diện cho tất cả mọi người không hay chỉ áp dụng trên một nhóm người cụ thể? Có ai khác đồng tình hay phản đối họ không? Tại sao lại đồng tình, tại sao lại phản đối? Những điều này có trái ngược với suy nghĩ của mình không? Nếu có thì tại sao? vân vân…

Khi chấm bài, các giáo sư cũng sẽ nhìn vào phần nguồn tài liệu tham khảo mà học sinh sử dụng để đánh giá xem học sinh có sử dụng nguồn tài liệu đáng tin cậy hay không. Các trang báo như BBC, New York Times… thậm chí cũng không được công nhận như một nguồn thông tin tốt để sử dụng trong bài luận.

Điều này khiến mình nhớ tới ngày xưa khi học đại học, và khi mình gặp các bạn trẻ ở Việt Nam viết bài luận xin học bổng, Dân Trí, Vietnamnet, VNExpress luôn là nguồn thông tin được sử dụng để lấy làm dẫn chứng. Các trang báo mạng chính thống có hàng trăm nghìn lượt xem, tất nhiên là phải nói đúng rồi – ai cũng đã từng suy nghĩ vậy. Và tất nhiên, khi đã trả lời tất cả các câu hỏi như ở trên, thì chúng ta sẽ hiểu vì sao những nguồn này lại không được các giáo sư chấp nhận 😀

Nói dông dài như vậy, để mọi người hiểu được tại sao đây lại là điều mình thấy có giá trị nhất và khó nhất khi đi học ở Anh. Nó thay đổi mình rất nhiều, và đến giờ mình vẫn đang cố gắng trau dồi kỹ năng này, nhất là trong thế giới mạng ngày nay, khi ai ai cũng có thể dễ dàng chia sẻ kiến thức hay quan điểm cá nhân.

Vậy tư duy phản biện thì liên quan gì tới cuộc sống hằng ngày và SexEd?

Tư duy phản biện là kỹ năng quan trọng, không phải chỉ khi chúng ta viết luận hay đọc báo, chọn lọc thông tin, mà còn hiện diện trong mọi mặt khác của cuộc sống hằng ngày, với mọi thứ chúng ta tiếp xúc, bao gồm cả chuyện tình cảm, sex và giáo dục giới tính.

Ví dụ như:

  • Trong công việc: Tại sao BẠN lại học ngành này, ở trường này? Tại sao lại chọn công việc A mà không phải công việc B? Tại sao lại là công ty X mà không phải công ty Y? Yếu tố nào quan trọng hơn đối với BẠN: thu nhập, cơ hội phát triển, hay sự nhàn nhã, không phải stress nhiều? Tại sao 26 tuổi lại là già cho việc đi du học?
  • Trong chuyện tình cảm: Bản thân BẠN mong muốn sẽ yêu một người dựa trên những yếu tố nào? Tại sao điều này lại quan trọng với BẠN? Yêu xa thì sẽ có những khó khăn gì? Bạn sẵn sàng để cố gắng vượt qua nó như thế nào?…
  • Trong sex: Những yếu tố nào khiến BẠN cảm thấy sẵn sàng để have sex với một người? Bạn có cảm thấy thích những động chạm cơ thể này không? Tại sao lại thích/không thích? Tại sao phim con heo lại tồn tại? Tại sao người ta lại xem nó? Tại sao BẠN lại xem nó?…

Càng nhiều câu hỏi cụ thể được đặt ra, thì sẽ càng giúp chúng ta tiến gần hơn tới câu trả lời phù hợp nhất dành cho mình.

Dưới đây là video 1 phút học Sex Ed mình đã từng làm về chủ đề “Phim pỏn có bao nhiêu phần là sự thật?“:

Áp dụng tư duy phản biện và phim Pỏn để dạy teen về Sex Ed

Hôm trước, mình có xem một video Ted Talks của Emily Rothman – một nhà nghiên cứu về lĩnh vực Sức khỏe cộng đồng (Public Health) từ trường ĐH Boston – về trải nghiệm của cô khi chạy thử nghiệm khóa học GDGT cho tuổi teen, lấy phim pỏn làm nền tảng, dựa trên chính những nghiên cứu của cô liên quan tới các ấn phẩm truyền thông mang nội dung khiêu dâm và tác động của chúng lên các mối quan hệ hẹn hò ở độ tuổi teen.

Mặc dù người lớn ai cũng sợ trẻ con xem phim pỏn, và cấm đoán chúng, nhưng sự thật trong một nghiên cứu đã cho thấy có tới 93% bé trai là 62% bé gái đã từng xem phim pỏn ít nhất một lần trước khi bước sang tuổi 18. Và trong nhiều nghiên cứu khác, phim pỏn được teen coi như một nguồn thông tin tham khảo để học về sex ed.

Đây là sự thật, dù bạn có muốn tin hay không.

Emily kể rằng, khi cô đứng lớp và nói về lĩnh vực sức khỏe cộng đồng mà mình đang nghiên cứu, chẳng có ai thèm nghe cả. Nhưng khi cô nói về từ “pornography” (nội dung khiêu dâm), thì tự nhiên tất cả các bạn teen bỗng dỏng tai lên nghe. 

Và khi cô nói rằng mình đã từng làm nghiên cứu về chủ đề này, thì cả hội trường bắt đầu rộn ràng hẳn, các bạn trẻ còn đập tay nhau ăn mừng vì rất hứng thú, vì cô giáo thật cool!

Khoảnh khắc đó, Emily đã nhận ra một điều hiển nhiên: Teen quan tâm đến pỏn, Teen đang xem pỏn và đang tìm kiếm câu trả lời về sex qua chính những nội dung khiêu dâm này.

Và Emily đặt ra câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể sử dụng Pỏn như một bàn đạp để thu hút và nói chuyện với các bạn tuổi teen về các mối quan hệ lành mạnh và sự đồng thuận?”. 

Từ đó, Emily bắt đầu lên ý tưởng cho một chương trình học dài 5 tiết có tên “Tìm hiểu về các nội dung khiêu dâm” cho các bạn tuổi teen.

Dưới đây là video 1 phút học Sex Ed mà mình đã làm về chủ đề Đồng Thuận:

Nội dung trong 5 tiết học này bao gồm: Các ấn phẩm và nội dung khiêu dâm được bắt nguồn từ đâu, như thế nào, phát triển ra sao? Phim pỏn khác với thực tế như thế nào? Phim pỏn có liên quan tới sự bóc lột về tình dục ra sao? Những hành vi như thế nào thì không thể hiện sự đồng thuận? Gửi ảnh nude có phải là đồng thuận không?… 

Mỗi tiết học sẽ kéo dài 90-120 phút, và cung cấp các công cụ để các bạn teen thực hành tư duy phản biện, phân tích, đánh giá về nội dung khiêu dâm mà mình đã và đang tiếp xúc.

Đừng vội hiểu lầm! Khóa học này không chiếu phim pỏn cho các bạn trẻ, cũng không yêu cầu các bạn phải phân tích các trích đoạn trong phim pỏn. Thay vào đó, Emily và các đồng sự của mình sử dụng khái niệm phim pỏn để khuyến khích các bạn trẻ nói ra suy nghĩ của mình, từ đó có các cuộc đối thoại sâu sắc hơn.

Có rất nhiều lầm tưởng đã được các bạn trẻ nói ra và cùng nhau thảo luận trong lớp học của Emily, ví dụ như:

  • Làm Porn Star (diễn viên đóng phim pỏn) là một nghề mang lại thu nhập khủng, và được công nhận (các bạn teen tưởng vậy, khi thấy các tài khoản mạng xã hội của các cô diễn viên này được tích dấu xanh, và họ có cả doanh nghiệp bán các sản phẩm tình dục của riêng mình).
  • Pỏn là nơi dạy bạn những kiến thức thực tế và trực quan về sex
  • Thích là nhích, như trong phim pỏn, mà không cần phải hỏi ý kiến đối tác trước khi have sex
  • Điều hiển nhiên: nam giới luôn thống trị, nữ giới luôn phục tùng nam giới.
  • Gửi bạn ảnh nude là điều bình thường, làm gì mà phải căng.
  • vân vân…

Hiện tại, khóa học này của Emily và các cộng sự đang được chạy thử nghiệm. Kết quả thu lại từ học sinh đều rất khả quan, và cô đang tiến hành mở rộng chương trình học này tới nhiều trường học và tổ chức hơn nữa.

Đây là một câu chuyện mình thấy rất thú vị. Nếu chúng ta sống trong một thế giới đơn giản, nơi trẻ em không bao giờ tiếp xúc với những hình ảnh và nội dung người lớn, thì đúng là không cần gì phải nói.

Nhưng lớn lên trong một thế giới mà xem phim hoạt hình cũng có thể bị tình dục hóa, thì chắc chắn việc có một tư duy phản biện được trang bị từ tấm bé là điều cực kỳ quan trọng.

Yêu thương,

Hà Phạm.


Cảm ơn bạn đã đọc các nội dung trên She Talks. Để hiểu hơn về She Talks và người viết (là mình – Hà Phạm), mời bạn đọc bài viết này. Để tìm kiếm các nội dung khác trên She Talks, bạn có thể xem Hướng dẫn sử dụng She Talks tại đây.

Dưới đây là Series video “1 phút học SexEd cùng She Talks” trên Facebook:

Leave a Reply