Yêu người nước ngoài và những khác biệt văn hóa

Sống trong một mối quan hệ với quá nhiều sự khác biệt, mình học được nhiều thứ.

Tuy nhiên…

Không phải ngôn ngữ.
Không phải thức ăn.
Không phải khoảng cách.

Đó là những ảnh hưởng vô hình khác về văn hóa, mà bạn cần phải nhìn nhận sâu hơn thì mới nhận ra.

Mình biết, nhiều bạn đọc của She Talks cũng đang trong những mối quan hệ tương tự, hoặc đang trong quá trình tìm hiểu, cân nhắc xem có nên bước vào một mối quan hệ với người nước ngoài hay không.

Nên thỉnh thoảng mình sẽ chia sẻ một chút về những điều mình học được trong một mối quan hệ với đầy rẫy sự khác biệt của mình.

Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp bạn thấy được phần nào những góc nhìn thực tế nhất ^^.

—————

Bạn KHÔNG CẦN PHẢI “have sex” trước khi tiến tới một mối quan hệ nghiêm túc hơn 

Phim ảnh, truyền thông về văn hóa phương Tây khiến chúng ta có một mặc định về “quy trình yêu” của người nước ngoài:

Have sex => Hôn => Nắm tay => Nói “I Love you”

Giống như “I Love You” là đỉnh cao của tình yêu, còn tình dục là thứ phải thử đầu tiên, có hợp không thì mới tính tiếp.

Điều này dẫn đến những cảm tính sai lầm hơn:

– Bạn thấy mình phải ‘have sex’ với người này, chỉ bởi vì bạn có cảm giác rằng đó là điều bình thường của văn hóa phương Tây, mình nên hòa nhập.

Bạn sợ rằng nếu không tuân theo quy trình yêu tiêu chuẩn tây này, bạn sẽ trở thành một kẻ cổ hủ, kỳ cục, với một thứ văn hóa Á đông không cởi mở trong con mắt của người ta.

Và điều này đã vô hình chung cho anh chàng tây kia một chút quyền lực vô hình, áp đặt lên bạn những điều anh ta muốn, mà lại khiến bạn quên mất bản thân mình.

Nếu bạn vẫn đang lăn tăn về anh chàng này, hãy cho mình thời gian và không gian để tìm hiểu, cho tới khi bạn 100% chắc chắn và cảm thấy an toàn với bản thân mình trong mối quan hệ này.

Việc từ chối “have sex” không có nghĩa rằng bạn cổ hủ bà cố. Nếu ai đó cằn nhằn, hoặc đá bạn chỉ vì lý do này, hay tệ hơn, cố gắng thuyết phục bạn hãy cởi mở lên mà quan hệ với họ đi, bạn hoàn toàn nên dừng lại.

Một người thực sự có tình cảm với bạn, sẽ nhìn nhận và tiếp cận bạn theo cái cách khiến BẠN cảm thấy thoải mái nhất và được là chính mình.

Đừng cả nể, cũng đừng sợ… quê.

————-
Mình vẫn nhớ như in lúc Thần Gà hỏi mình sau khi đã tỏ tình được một thời gian:

“Em có chắc rằng em muốn quan hệ bây giờ không?”

Mình hơi ngạc nhiên: “Sao lại hỏi em thế?”

“Vì anh biết văn hóa nước em không như thế này, anh chỉ muốn chắc chắn là em có thực sự muốn nó hay không”.

Giây phút ấy mình cảm thấy… có lẽ mình đã tìm được đúng người rồi.

Chuyện YÊU và THƯƠNG

Yêu người nước ngoài, rào cản đầu tiên là sự khác biệt ngôn ngữ. Vô hình chung, chính sự khác biệt ngôn ngữ này, lại ảnh hưởng tới cách chúng ta thể hiện tình cảm của mình.

Nhiều bạn đọc hỏi mình: “Chị có gặp khó khăn khi thể hiện cảm xúc không? Mỗi lần muốn nói gì lại phải chia động từ như vậy…”.

Thú thực, mình chỉ thực sự nhận ra điều này vào ngày tụi mình nói “I love you”, và sau này, là khi mình không biết phải nói lời “Thương” như thế nào.

Mình đã học được nhiều điều từ đó.

Ngày xưa, khi yêu người Việt, thường khi tỏ tình sẽ là lúc chúng mình nói “YÊU”:

– Anh yêu em.
– Em cũng yêu anh.
– Uh vậy chúng mình làm người yêu chính thức của nhau nhé.

Lời yêu khi ấy, giống như là điều hiển nhiên phải có, thì mới chứng tỏ rằng đây là một mối quan hệ nghiêm túc, chính thức.

Nếu không nói ra, thì có vẻ như mình vẫn chưa là gì của nhau nhỉ…

Sau này khi yêu Thần Gà, lần đầu tiên chúng mình nói “I love you” là khi đã ở bên nhau được vài tháng, vào một ngày Noel ở thành phố London.

Giây phút nghe câu “I love you” đó, cảm giác vô cùng kỳ diệu.

Nó không phải là “ah, vậy bây giờ mối quan hệ này mới trở nên chính thức”. Không.

Chính xác hơn, thì đó là cảm giác khi tình cảm của bạn đong đầy hơn, sâu sắc hơn, đó là lúc bạn thực sự cảm thấy mình cần có sự hiện diện của người kia ở thì hiện tại, và cả thì tương lai.

Khoảnh khắc ấy, mình hiểu rõ hơn ý nghĩa thực sự của từ “YÊU”.

Bạn chỉ có thể cảm nhận được nó khi đã ở trong mối quan hệ lãng mạn được một thời gian, để hiểu rõ hơn đối phương, và hiểu rõ hơn chính bản thân mình, điều mà khi mới bước vào mối quan hệ này bạn chưa thể cảm nhận được một cách rõ nét và sâu sắc.

Sau này, khi đã về chung một nhà, có những lúc mình cảm thấy nói “I love you” thôi vẫn chưa đủ.

Đấy là khi mình thấy “THƯƠNG”, một cái gì đó sâu sắc hơn cả “YÊU” nữa. Mà nghĩ hoài chưa ra từ nào diễn tả được.

————-
Câu chuyện này được kể ra, không phải để chê rằng ở Việt Nam mình dễ nói lời “YÊU” khi chưa thực sự hiểu yêu là gì. Cũng không phải để chê văn hóa phương Tây không có thứ cảm xúc ấm áp của từ “THƯƠNG”.

Đó chỉ đơn giản là sự khác biệt văn hóa. Điều mà nếu cho mình quay ngược thời gian trở về lúc còn hẹn hò người Việt, chắc chắn mình sẽ vẫn chọn nói lời “YÊU” sớm hơn, thay vì đợi chờ vài tháng.

Văn hóa ở mỗi quốc gia ảnh hưởng khá nhiều tới cách chúng ta suy nghĩ, và suy diễn vấn đề.

Ví dụ:
– Ở Việt Nam, nếu bên nhau tới cả nửa năm mà ko nói yêu, thì chắc chắn là có vấn đề, cần xem xét lại mối quan hệ.
– Ở phương Tây: Nếu mới bắt đầu hẹn hò mà đã nói yêu thì là nói điêu, cần xách dép chạy cho nhanh.

Vậy phải làm thế nào để dung hòa?

Thay vì ép bản thân phải thay đổi quan điểm, để đáp ứng kỳ vọng của mỗi nền văn hóa, thì điều quan trọng hơn là phải hiểu bản thân mình, lên tiếng cho những điều mình muốn, và mở lòng cho những khác biệt.

Tự hỏi bản thân rằng bạn yêu người này tới mức nào, người ấy đối xử với bạn ra sao?

Nếu bạn cần một lời “YÊU” để cảm thấy an toàn hơn trong mối quan hệ này, hãy nói ra.

Nếu bạn thấy “THƯƠNG” mà không biết phải mở lời thế nào, hãy thể hiện bằng hành động.

Cuối cùng, sự khác biệt văn hóa sẽ chỉ là tương đối, nếu bạn hiểu mình cần gì trong mối quan hệ này (chứ không phải tiêu chuẩn xã hội cần gì trong mối quan hệ của bạn), sẵn sàng mở lòng để nói ra, và thể hiện bằng hành động.

Chúc bạn luôn cảm thấy ấm áp trong mối quan hệ của mình, dù giống, hay khác biệt văn hóa.

Yêu thương,

Hà Phạm

Leave a Reply