Thứ dịch nhầy ở quần lót là gì thế?

Bạn đã bao giờ nhìn thứ chất lỏng màu trắng đọng lại nơi quần lót của bạn và tự hỏi đó là cái gì chưa? Hoặc bạn đã bao giờ lo lắng về nó, mà vì ngại ngùng nên không dám hỏi ai? Nếu đã từng, thì chúng mình ở đây để giải đáp thắc mắc cho các bạn nè.

Dưới đây là video 1 phút tổng kết lại các ý chính của bài viết. Nhưng bạn hãy tiếp tục đọc hết bài viết này để không bỏ lỡ các thông tin quan trọng khác nhé ^^!

1. Dịch âm đạo là gì?

Đó là một chút chất nhầy được tạo thành từ tử cung, cổ tử cung và âm đạo của chúng mình.

Các bạn gái sẽ thấy được dịch tiết này khi cơ thể chuẩn bị có kì kinh đầu tiên. Đây là một tín hiệu khi cơ thể chúng mình bắt đầu có những thay đổi về nội tiết tố, và chúng là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên, bình thường của “cô bé”. 

Độ kết dính, màu sắc, và mùi của dịch tiết âm đạo không phải lúc nào cũng giống nhau. Chúng sẽ thay đổi ở mỗi một thời điểm nhất định của một chu kỳ kinh nguyệt, hoặc trong một giai đoạn nào đó trong cuộc đời (như mới có kinh, hoặc tiền mãn kinh chẳng hạn).

2. Vậy dịch âm đạo có tác dụng gì?

Chúng có nhiệm vụ đẩy những vi khuẩn gây hại ra khỏi “cô bé” của bạn và duy trì độ pH phù hợp. Từ đó giúp cô bé trở nên sạch sẽ, thông thoáng và ngăn ngừa viêm nhiễm âm đạo. 

3. Dịch âm đạo của mỗi người có giống nhau không?

Hoàn toàn không! Dịch tiết âm đạo là khác nhau ở mỗi người và màu sắc, lượng dịch tiết ra vào mỗi giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt cũng khác nhau nữa. 

  • Khoảng 3-5 ngày sau khi kỳ kinh của bạn kết thúc: âm đạo sẽ tiết ra chất dịch màu trắng, đục, và hơi dính. Đây được gọi là giai đoạn nang trứng, khi trứng đang phát triển.
  • Xung quanh khoảng thời gian rụng trứng: dịch tiết âm đạo ra khá nhiều. Trên thực tế, trong thời gian này, bạn có thể thấy lượng dịch tiết ra hàng ngày gấp 30 lần bình thường nữa! Dịch nhầy thường sẽ “lỏng” và “trơn” hơn, có màu khá trong, có thể liên tưởng đến lòng trắng trứng. Lý do là để tạo môi trường ướt át “trơn tuột” nhất có thể cho tinh trùng bơi thật nhanh để tìm đến thụ tinh với trứng á~
  • Sau khi trứng rụng: dịch tiết âm đạo sẽ trở lại trạng thái trắng đục, kết cấu trở nên dính hơn, cảm giác như keo lỏng vậy. Lượng dịch tiết ra cũng sẽ ít dần đi và thông thường tình trạng này sẽ kéo dài trong khoảng 11-14 ngày cho tới khi bạn chuẩn bị có kỳ kinh tiếp theo.
  • Khi chuẩn bị có kinh: Dịch tiết ra sẽ nhạt đi, đôi khi có thể hơi ngà ngà, và sẽ ít dần trước khi bắt đầu một chu kì kinh mới.

Lưu : Khả năng cô bé bị nhiễm trùng cao nhất vào trước và sau kì kinh nguyệt bởi vì độ cân bằng pH trong âm đạo thay đổi, khiến cho mức độ axit có thể “chạm đáy” trong một vài ngày, tạo môi trường cho vi khuẩn. Vậy nên các bạn nữ nhớ vệ sinh cô bé cẩn thận trong thời gian này nhé!

4. Tips để đối phó với dịch âm đạo nếu chúng khiến bạn không thoải mái

Mặc dù dịch tiết âm đạo là điều hoàn toàn bình thường, nhưng nếu bạn cảm thấy không thoải mái vì mùi hay vì “cô bé” tiết ra quá nhiều dịch âm đạo, thì bạn có thể dùng một lớp lót ở phía trong quần lót, như là bvs hằng ngày chẳng hạn. Nhưng tốt nhất là không nên dùng nhiều vì có thể gây kích ứng, nên hãy cố gắng để “cô bé” được sạch sẽ thoáng mát tự nhiên nhất có thể nhé!

Cách tốt nhất là vệ sinh khu vực âm hộ hằng ngày bằng nước sạch! Không cần thiết phải sử dụng dung dịch vệ sinh làm gì cả, và đặc biệt là không được thụt rửa nhé!


Người viết: Khánh Nguyên

Editor: Hà Phạm

Nội dung bài viết thuộc bản quyền của She Talks. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ khi chia sẻ nội dung của She Talks trên bất cứ nền tảng nào.

Nguồn thông tin tham khảo trong bài viết:

Sách “The Wonder Down Under”

Watson CJ, Grando D, Garland SM, Myers S, Fairley CK, Pirotta M. Premenstrual vaginal colonization of Candida and symptoms of vaginitisJ Med Microbiol. 2012;61(Pt 11):1580-1583. doi:10.1099/jmm.0.044578-0

Godha K, Tucker KM, Biehl C, Archer DF, Mirkin S. Human vaginal pH and microbiota: an updateGynecol Endocrinol. 2018;34(6):451-455. doi:10.1080/09513590.2017.1407753

Miller EA, Beasley DE, Dunn RR, Archie EA. Lactobacilli Dominance and Vaginal pH: Why Is the Human Vaginal Microbiome Unique? Front Microbiol. 2016;7:1936. doi:10.3389/fmicb.2016.01936

Medical News Today – Bài về A color-coded guide to vaginal discharge

Hệ thống Y tế quốc gia Anh NHS – Bài về Vaginal Discharge

Tạp chí Healthline – Bài về Everything You Need to Know About Vaginal Discharge

Leave a Reply