Màng phim tránh thai được coi là một biện pháp tránh thai an toàn, bằng cách đưa 1 tấm màng phim nhỏ vào bên trong âm đạo, sau 10 phút, màng phim sẽ tan ra, tạo thành một lớp gel diệt tinh trùng, ngăn ngừa tinh trùng tìm đường vào bên trong tử cung.
Ở bài blog trước cùng video 1 phút đi kèm, mình đã giải thích rất kỹ về màng phim tránh thai: chúng là gì? Cơ chế hoạt động ra sao? Các bước sử dụng như thế nào? Bạn có thể click vào hình bên dưới để đọc về blog và video này nhé:
Màng phim tránh thai hiệu quả như thế nào?
Sản phẩm này đã xuất hiện từ 20 năm nay, và đã được khoa học kiểm chứng là an toàn, có thể sử dụng mà không cần kê đơn của bác sĩ.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, trong điều kiện hoàn hảo, tức là sử dụng màng phim một cách hoàn toàn chính xác, thì mức độ hiệu quả là 82%. Mà tất nhiên đây chỉ là lý thuyết, còn trên thực tế, tức là ở điều kiện bình thường, được sử dụng bởi những con người bình thường đang trong những phút giây “hừng hực khí thế”, thì mức độ hiệu quả giảm xuống còn 72%. Tức là cứ 100 người sử dụng, thì có gần người dính bầu. Đây là một con số thể hiện sự rủi ro to bự, nhất là khi so sánh với các biện pháp khác (ví dụ: que cấy tránh thai cho tỉ lệ hiệu quả >99%, tức là 100 người sử dụng thì có ít hơn 1 người dính bầu ngoài ý muốn, bạn thấy sự khác biệt rồi chứ?).
Mình đã từng làm hai video ngắn 1 phút nói về % hiệu quả của tất cả các biện pháp tránh thai chính như dưới đây:
Vì lý do trên, màng phim tránh thai không được ưu ái như là một biện pháp tránh thai độc lập. Nó chỉ được khuyến khích sử dụng như một biện pháp đi kèm với các biện pháp khác mà thôi. Như là sử dụng kèm với bao cao su hoặc màng ngăn âm đạo (Diaphram) chẳng hạn.
Tác dụng phụ của màng phim tránh thai
Các tác dụng phụ của màng phim tránh thai VCF, nếu có, hầu hết đều khá nhẹ. Mặc dù đây không phải là một trong những biện pháp ngừa thai hiệu quả nhất, nhưng có còn hơn không, sử dụng màng phim thì vẫn có hiệu quả hơn nhiều so với việc hoàn toàn không sử dụng bất kỳ biện pháp nào.
Bạn có thể sẽ bị kích ứng nhẹ bên trong “cô bé”, hoặc “cậu bé” cũng có thể bị ảnh hưởng do nhạy cảm với chất nonoxynol-9. Nếu bạn đang bị nấm âm đạo hoặc viêm âm đạo, thì không nên sử dụng biện pháp này, vì nó có thể làm mọi thứ tệ hơn.
Và tất nhiên, màng phim tránh thai không bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây lan STIs.
Điểm cộng và Điểm trừ
Sau đây là tổng hợp ngắn gọn những ưu và khuyết điểm của màng phim tránh thai:
Điểm cộng:
- Không chứa hormone (tốt cho những người nhạy cảm với các biện pháp tránh thai có chứa estrogen và progestin)
- Cho phép bạn có những cuộc vui mà không bị gián đoạn phải dừng lại giữa chừng để… đeo bao (vì màng phim có tác dụng trong ba giờ sau khi nhét vô âm đạo)
- Giúp tăng hiệu quả tránh thai khi dùng chung với bao cao su
- Bạn nam không thể cảm nhận được sự hiện diện của màng phim, khiến cảm giác “thật trân” hơn.
- Dễ sử dụng
- Nhỏ gọn, được bán trong các túi kín riêng
- Không cần kê đơn của bác sĩ (nhưng hãy nhớ mua hàng chính hãng, cửa hàng uy tín đảm bảo nha).
Điểm trừ:
- Không bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs/STDs)
- Việc sử dụng thường xuyên có thể làm tăng kích ứng âm đạo, điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm các bênh lây truyền qua đường tình dục 🙁
- Khả năng tránh thai kém hơn nhiều so với các phương pháp khác
Ngoài bài viết trên blog này, mình có tổng hợp lại trong 1 chiếc video nhỏ xinh 1 phút, tóm tắt lại nội dung bài viết:
Hy vọng kiến thức hôm nay thực sự có ích cho bạn ^^!
Yêu thương,
Hà Phạm.
Nguồn tham khảo:
- Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. Bài về Các biện pháp tránh thai. Cập nhật ngày 18/6/2021.
- Viện Y tế Quốc gia Mỹ. Bài về màng phim tránh thai VCF – màng nonoxynol, hòa tan. Cập nhật tháng 12 năm 2018.
- Bài đăng trên tạp trí nghiên cứu Science Direct của tác giả Allan S. Lichtman, Val Davajan, Dixie Tucker – C-film: A new vaginal contraceptive